Cửa tử vốn, lãi suất

(ĐTTCO) - Hoạt động cho vay ngoại tệ đã chính thức được NHNN siết lại bằng Thông tư 24. Điều này đang gây ra khó khăn cho một số nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông lâm thủy sản.

(ĐTTCO) - Hoạt động cho vay ngoại tệ đã chính thức được NHNN siết lại bằng Thông tư 24. Điều này đang gây ra khó khăn cho một số nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông lâm thủy sản.

Giảm sức cạnh tranh

Khi được hỏi việc siết cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN trong nhóm ngành xuất khẩu và chế biến thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngay trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, VASEP đã có công văn kiến nghị NHNN sửa đổi Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 24 và cho DN xuất khẩu thủy sản được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ. Theo ông Hòe, VASEP liên tục nhận được phản ánh của các DN thành viên về sự bất cập trong Khoản 1, Điều 3, Thông tư 24 ngày 8-12-2015. Theo đó, các DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, chỉ được thực hiện vay đến hết ngày 31-3-2016.

Dù được ban hành với mục đích ổn định kinh tế vĩ mô và chống đô-la hóa, quy định “được vay đến 31-3-2016” lại có tác động làm giảm sức cạnh tranh của DN xuất khẩu Việt Nam, đồng thời gây khó khăn trong việc bố trí vốn vay trong năm 2016. Trong khi đó, việc cho vay ngoại tệ với những DN xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá ngoại tệ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP

Trước đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương, đã bày tỏ sự lo ngại về thông tư này trong buổi gặp với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu quốc hội TPHCM. Ông Minh cho biết năm nay ngành thủy sản Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do các thị trường lớn giảm nhu cầu nhập khẩu, nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Đồng thời, các nước trên thế giới đang phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, trong đó một số nước ASEAN phá giá đến 10% nội tệ, tiền châu Âu mất giá 10%, tiền khu vực Trung Đông mất giá 30% và tiền của các nước khu vực Nam Mỹ mất giá từ 30-40%. Do đó, sắp tới dự báo ngành thủy sản Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của ngành nông lâm thủy sản năm 2015 là 30 tỷ USD, giảm so với năm 2014. Khi áp dụng Thông tư này, DN vay VNĐ với lãi suất cao, chi phí này sẽ được tính vào giá cả sản phẩm, giá nhóm hàng hóa nông lâm thủy sản sẽ bị đẩy lên, làm hạn chế khả năng cạnh tranh với hàng hóa các nước.

 Đồng ý với ý kiến này, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Sadaco, cũng cho rằng khi vay bằng VNĐ sẽ khiến DN phải chịu lãi vay cao hơn, chưa kể đến những biến động của VNĐ. Ông Mạnh chia sẻ tình hình thế giới hiện vẫn còn nhiều khó khăn, giá hàng hóa luôn trong xu hướng giảm nên nếu DN tăng giá sản phẩm nhiều khả năng sẽ không xuất được. Theo một số DN, hiện lãi vay USD khoảng 4,5%/năm, nhưng nếu chuyển qua vay VNĐ lãi vay sẽ tăng lên 8,5%/năm, như vậy khoản chênh DN phải gánh lên tới 4%/năm. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của DN. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, với một số nhóm ngành, việc siết cho vay ngoại tệ chưa gây ảnh hưởng gì nhiều, chẳng hạn ngành dệt may.

Vẫn nhức nhối

Câu chuyện vay VNĐ lãi suất cao không chỉ đến khi có Thông tư 24, mà dường như nó vẫn đang là nỗi lo thường trực của nhiều DN. Trong bảng tổng hợp những đề xuất và kiến nghị của các DN TPHCM, vốn và lãi suất chiếm một phần không nhỏ. Các DN đều đồng tình lãi suất vay vốn của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước trong khu vực, nên DN khó có thể cạnh tranh sòng phẳng. Khó tiếp cận vốn cũng khiến nhiều DN dù muốn nhưng chưa thể “hồi sinh”. Đại điện Hiệp hội DN TPHCM chia sẻ: “Hiện tại việc tiếp cận vốn với nhiều DN gặp không ít khó khăn. Dù DN có phương án kinh doanh tốt nhưng không có tài sản đảm bảo cũng đành bó tay, vì trong giai đoạn khó khăn DN đã thế chấp hết tài sản và vướng nợ xấu. Đến nay khi DN hồi phục, có hợp đồng và khách hàng nhưng lại không có vốn. Kiến nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên xem xét từng trường hợp cụ thể để khoanh nợ cũ, cho vay mới bảo đảm theo từng hợp đồng để trả dần nợ cũ”.

Hiện nay trong bất cứ câu chuyện nào của DN Việt Nam cũng được gắn với cụm từ hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh một số nhóm ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi, vẫn còn những nhóm ngành đang rất bi quan. Ông Dương Ngọc Minh cho rằng với ngành nông nghiệp, khi Việt Nam ký nhiều FTA hay TPP cửa sẽ mở nhưng cơ hội thì không, bởi DN chưa đầu tư chuyển đổi công nghệ và Nhà nước chưa có chính sách phù hợp cho nông nghiệp. “Nếu chúng ta làm không khéo, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm hết phần của chúng ta” - ông Minh nói.

DN thủy sản sẽ thêm khó khăn khi không được vay vốn bằng ngoại tệ.

DN thủy sản sẽ thêm khó khăn khi không được vay vốn bằng ngoại tệ.

Cũng nói về nhóm ngành nông nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương, nếu sản phẩm không cạnh tranh được và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, sẽ không thâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, ngược lại sản phẩm của họ dễ dàng vào nước ta. Một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội. Có thể thấy trong khi cánh cửa hội nhập đang mở rộng thì các DN Việt Nam lại phải loay hoay giải quyết quá nhiều khó khăn. Thực tế này đang đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng để cùng DN tháo gỡ khó khăn.

Các tin khác