Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang.
Doanh nghiệp tăng nhanh nhưng quy mô nhỏ
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính từ năm 2018 đến nay, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Chỉ riêng 7 tháng năm 2019, có 1.100 DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Với việc xuất khẩu nông sản sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 15 nhóm quốc gia có quy mô kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Các DN đang gặp phải những rào cản, khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, những rào cản trên hoàn toàn có thể khắc phục được.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, nếu đầu tư chế biến sâu nông thủy hải sản, DN vừa gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu vừa giảm thiểu rủi ro từ rào cản thực phẩm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh… Nhiều DN cho rằng, việc hạn chế trong nội lực đầu tư vốn để gia tăng tỷ lệ chế biến sâu đang khiến sản phẩm nông sản Việt Nam chưa tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA. Ước tính, để đầu tư chế biến sâu, DN phải có vốn đầu tư vài chục triệu đến vài trăm triệu USD.
Cũng theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong tổng số 2.200 DN đầu tư vào lĩnh vực năm 2018, phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ (10 - 20 lao động/DN). Công nghệ chế biến, đóng gói, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới… còn hạn chế.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT, cho biết, ngay khi EVFTA thông qua, phần lớn nhóm sản phẩm nông thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Tuy nhiên, do vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu thô nên nguy cơ sản phẩm nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt hàng loạt rào cản kỹ thuật đến từ các thị trường - phổ biến nhất là quy tắc xuất xứ.
Việc châu Âu, Hoa Kỳ áp mức thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… đã khiến các DN từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này chuyển một số công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang Việt Nam để lấy xuất xứ từ Việt Nam. Do vậy, mặt hàng nông thủy hải sản Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp trừng phạt phòng vệ thương mại do liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa. Thực tế, tính đến tháng 7-2019, có 20 nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước nhập khẩu điều tra hành vi vi phạm lẩn tránh thuế hàng hóa, tập trung vào các nhóm nhôm, thép, thủy sản, gỗ ván ép, sợi, đồ gia dụng, pin mặt trời…
Ở góc độ khác, theo lộ trình sau 3 - 5 năm từ khi ký kết EVFTA, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường trong nước và thực hiện thuế suất ưu đãi 0% cho DN châu Âu sản xuất nhóm sản phẩm sữa, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh. Với quy mô lớn, chất lượng sản phẩm tốt, an toàn cho người tiêu dùng của những DN ngoại này, DN Việt sẽ bị cạnh tranh hết sức gay gắt hơn bao giờ hết.
Thắt chặt kiểm soát thu hút đầu tư nước ngoài
Trước thực tế đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng, Bộ NN-PTNT cần có kế hoạch phổ biến, cập nhật đầy đủ và chi tiết thông tin, giải pháp để DN trong nước tận dụng lợi thế xuất khẩu từ các hiệp định thương mại nói chung và EVFTA nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị.
Với một số nhóm sản phẩm được hưởng thuế suất ưu đãi theo hạn ngạch nhất định, cần có sự ưu tiên cho các DN trong nước. Song song đó, cần tổng rà soát kim ngạch xuất khẩu của từng nhóm ngành hàng, kết hợp thắt chặt kiểm soát thu hút đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng DN đầu tư một phần công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp tại Việt Nam chỉ để tận dụng lợi thế quy tắc xuất xứ. Hệ quả là khi bị các thị trường nhập khẩu điều tra, phát hiện và áp dụng biện pháp trừng phạt phòng vệ thương mại, ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nặng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI, nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh giải quyết bất cập trong thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tạo điều kiện để hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo quy trình nuôi trồng đạt chuẩn toàn cầu để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất cho DN. Đồng thời xây dựng những chính sách bảo vệ tài sản cho DN đầu tư vào nông nghiệp.
Trước các kiến nghị của DN, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, khẳng định, bộ đang đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin thị trường, lợi thế xuất khẩu cho DN. Bộ đã làm việc với các cơ quan chức năng thực hiện thắt chặt việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O), kết hợp kiểm soát chặt chẽ khi có nghi vấn gian lận thương mại, nhất là với các mặt hàng đang nằm trong diện bị điều tra như nhôm, thép, gỗ dán, tôm… Các cơ quan chức năng cũng đang rà soát chính sách thu hút đầu tư DN nước ngoài.
Riêng về phía Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bộ đang kết hợp với các địa phương triển khai phát triển chuỗi sản phẩm giá trị, vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài và chuỗi thương hiệu (nước ta hiện có gần 1.500 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn). Sắp tới, bộ kết hợp các địa phương hỗ trợ đầu tư vào khâu công nghệ cao như giống, công nghiệp phục vụ chế biến, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, sẽ sớm thiết lập hệ thống cơ sở khách hàng để điều chỉnh kịp thời chính sách xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường.