Xu thế tất yếu
Thị trường điện toán đám mây chính phủ trên toàn thế giới được định giá khoảng 21 tỷ USD vào năm 2017 và dự kiến tăng trưởng khoảng 15,4% trong giai đoạn 2018-2023. Đám mây công cộng là mô hình triển khai lớn nhất, chiếm khoảng 7,7 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến vượt 17,8 tỷ USD vào năm 2023.
Có thế thấy, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hoạt động kinh doanh lẫn vận hành nội bộ là xu thế chung của thế giới, xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng.
Trên thế giới, các ngân hàng đã và đang ưu tiên ứng dụng công nghệ để đáp ứng những kỳ vọng về tốc độ, độ chính xác và sự lựa chọn.
Cùng với Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) đang tạo ra một cuộc cách mạng đối với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, và ngành tài chính - ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế này.
Theo báo cáo Capgemini Financial Services Analysis (2020) của tổ chức Capgemini, có 5 yếu tố chính thúc đẩy khiến các ngân hàng phải thay đổi và ứng dụng công nghệ bao gồm: (1) Thúc đẩy từ các cơ quan quản lý về trao đổi dữ liệu và thúc đẩy cạnh tranh, (2) Yêu cầu xử lý nhanh hơn từ phía bán lẻ, (3) Cần xây dựng các mô hình kinh doanh dựa trên hệ sinh thái, (4) Nhu cầu từ phân khúc B2B về tự động hóa, tốc độ và sự lựa chọn, (5) Tập trung vào hiệu quả hoạt động để tạo ra sự nhanh nhẹn.
Nếu không thực hiện chuyển đổi, hiện đại hoá thanh toán thì gần 68% các ngân hàng cho biết mối đe dọa lớn nhất là mất khách hàng hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, 50% ngân hàng cũng cho rằng cơ sở hạ tầng và sự sẵn sàng về công nghệ là một trong những thách thức lớn.
Cuộc đua công nghệ
Theo báo cáo của IDC vào tháng 8-2020, 40% ngân hàng được khảo sát cho biết sẽ dịch chuyển một số hoạt động lên môi trường đám mây lai bởi chính sách nhà nước đang bước đầu xác định mức độ phân quyền dữ liệu tại các ngân hàng. Động thái này cũng với những yêu cầu từ thực tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng đã thúc đẩy động lực số hoá tại các ngân hàng.
Một ví dụ như ngân hàng VIB gần đây đã thúc đẩy chuyển dữ liệu lên nền tảng đám mây Microsoft Azure. Theo đó, Microsoft và VIB sẽ cùng xây dựng hệ sinh thái multi-cloud với việc sử dụng Microsoft Azure là đám mây chính (primary cloud) dành cho các ứng dụng của ngân hàng này. Không chỉ có ngân hàng VIB, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đầu tư mạnh tay với hạ tầng công nghệ này.
Hay có thể kể đến như sự hợp tác giữa ngân hàng Techcombank với Amazon Web Services (AWS) để chuyển dịch hệ thống lên đám mây, ngân hàng VietinBank cũng hợp tác AWS để cung cấp dịch vụ ngân hàng số đầu tiên, hay một số ngân hàng khác như Viet A Bank, PvcomBank…
Có thể nói, động lực thúc đẩy cuộc chạy đua về công nghệ này của các ngân hàng một phần bắt nguồn từ tầm nhìn chiến lược và hàng lang pháp lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, theo “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030” của Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 12-2019 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 100%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 09/2020/TT-NHNN quy định về hệ thống an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, theo đó các ngân hàng được phép đưa dữ liệu quan trọng, từ cấp độ ba trở lên, lên môi trường điện toán đám mây nếu đảm bảo những quy định kèm theo.
Theo quyết định 1813/QĐ-TTg về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 28-10-2021, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành hành lang pháp lý, một trong những giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0.
Theo đó, ngành ngân hàng, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, dựa trên ứng dụng những công nghệ cốt lõi, trong số đó có điện toán đám mây (Cloud Computing).
Như vậy, với những khung khổ pháp lý ban đầu và thực tiễn chuyển đổi số của các ngân hàng hiện nay, ngành tài chính-ngân hàng có thể được coi là khối ngành đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần hiện thực hoá các chương trình chuyển đổi số quốc gia.