Apple và Samsung đang cáo buộc nhau về việc bên này sử dụng trái phép các sáng chế của bên kia. Hai tập đoàn này đã đối đầu nhau tại 19 phiên tòa trên toàn thế giới. Chỉ trong vài tháng, cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới đã biến thành cuộc chiến sở hữu trí tuệ thực sự về thiết kế, màn hình và các thành phần cấu tạo khác của điện thoại di động và máy tính bảng.
Apple đấu Samsung
Cuộc đối đầu giữa máy tính bảng |
iPhone 4S có thể bị cấm bán tại Pháp vì Samsung đã quyết định giáng trả bằng cách tấn công vào sản phẩm vừa ra mắt của Apple. Tập đoàn Hàn Quốc này đã đệ đơn kiện lên tòa án sơ thẩm của Paris cáo buộc Tập đoàn Hoa Kỳ sử dụng các phát minh về 3G cho điện thoại Samsung có quyền sở hữu.
Hiện nay, Apple và Samsung đã đối đầu nhau tại 19 phiên tòa trên toàn thế giới. Apple đã mở đầu vụ kiện đầu tiên vào tháng 4, tuy rằng trước đó, các luật sư của Apple vẫn “nể nang” Samsung, nhà cung cấp linh kiện chính của Apple.
Ban đầu Samsung không phản ứng gì trước hành động này nhưng cuối cùng đã phản công lại sau khi Apple thắng kiện và khiến cho máy tính bảng Galaxy Tab của Samsung bị cấm bán tại Đức, Hà Lan và Australia.
Lợi ích có được từ cuộc chiến này không gì khác ngoài vị trí thống trị trên thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng thế giới. Trong cuộc chiến này, các bằng sáng chế đã trở thành vũ khí chiến lược. “Chúng tôi phải bảo vệ những gì thuộc về mình” - Tim Cook, tân Tổng giám đốc Apple, tuyên bố nhằm biện minh cho cuộc chiến pháp lý mà Apple đã khởi xướng.
Nhưng luận điểm này không phải lúc nào cũng thuyết phục. “Kiểu đối đầu này thường sẽ kết thúc bằng những thỏa thuận tài chính hoặc thỏa thuận về bằng sáng chế” - Marina Cousté, luật sư của hãng ReedSmith, nhận xét. Bởi vì việc mua các bằng sáng chế đang trở nên đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược phát triển của mình.
Như tháng 8, Google đã phải chi 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola. Mục tiêu chủ yếu của giao dịch này là 17.000 bằng sáng chế của nhà sản xuất điện thoại di động Motorola đang nắm giữ.
Một vụ tiêu biểu khác là việc một nhóm doanh nghiệp gồm Apple, Microsoft và RIM (nhà sản xuất điện thoại di động Black Berry, Canada) đã hợp tác với nhau để mua lại 6.000 bằng sáng chế của Nortel, một tập đoàn Canada chuyên sản xuất các thiết bị viễn thông, với giá 4,5 tỷ USD. Tính trung bình mỗi bằng sáng chế có giá 750.000USD.
Đầu cơ bằng sáng chế
“Hãy thận trọng, nguy cơ của một quả bóng đầu cơ giá trị bằng sáng chế đang lớn dần” - Cousté cảnh báo. Những người nắm giữ các bằng sáng chế đang ngồi trên một đống vàng. Họ tìm cách đánh bóng, nâng cao giá trị tài sản của mình.
Việc bán các bằng sáng chế sẽ mang lại nguồn lợi thực sự cho một số doanh nghiệp. Như trường hợp của Kodak, hãng sản xuất máy ảnh đang gặp khó khăn lớn, muốn kiếm tiền từ những sáng chế do hãng nắm giữ. Kodak dự kiến sẽ bán 1.000 bằng sáng chế. Hãng này vừa thông báo về hợp đồng với Imax liên quan đến 50 sáng chế về phim màn ảnh rộng.
Tại Pháp, Technicolor (trước đây là Thomson) có lẽ là nhà vô địch trong lĩnh vực này. Tính tổng cộng, các hợp đồng về bằng sáng chế đã mang lại 447 triệu USD cho Technicolor trong năm 2010, chiếm 12,5% doanh thu của hãng. “Hoạt động xin cấp bằng sáng chế là át chủ bài, dẫn đến thành công trong lĩnh vực về âm thanh và hình ảnh” - Technicolor khẳng định.
Trong khi đó, Philips và Sony là 2 tập đoàn nắm giữ các bằng sáng chế trong lĩnh vực đầu đọc DVD nhưng lại thu được rất ít tiền từ chúng. Đáng lý ra, công nghệ Blu-ray có thể là nguồn thu nhập phụ quan trọng. Tuy nhiên, việc số hóa các nội dung đang mở ra lối đi mới cho các loại bằng sáng chế khác.