Cuộc chiến khí thải hàng không

Ngành công nghiệp hàng không hiện thải tới 600 triệu tấn carbon mỗi năm, đó là chưa kể sẽ có thêm nhiều máy bay tung cánh trên bầu trời, chực chờ phun khí thải. Giới chức trách buộc phải nghĩ cách kiểm soát khí thải ngành hàng không.

Ngành công nghiệp hàng không hiện thải tới 600 triệu tấn carbon mỗi năm, đó là chưa kể sẽ có thêm nhiều máy bay tung cánh trên bầu trời, chực chờ phun khí thải. Giới chức trách buộc phải nghĩ cách kiểm soát khí thải ngành hàng không.

Hàng không chiếm 3% phát thải toàn cầu nhưng cho đến nay vẫn chưa có một thỏa thuận toàn cầu nào để hạn chế phát thải của ngành này. Mãi đến cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) mới đưa ra kế hoạch đánh thuế khí thải đối với các hãng hàng không và đã áp dụng từ ngày 1-1-2012, bất chấp Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề nghị hoãn hoặc đình chỉ kế hoạch.

Theo đó, các hãng từ chối thực hiện có thể bị phạt và trong trường hợp nghiêm trọng sẽ không được hạ cánh trong 27 nước EU. Các hãng hàng không chỉ trích việc này là dạng thuế mới sẽ khiến ngành hàng không tiêu tốn 17,5 tỷ EUR trong 8 năm tới.

Bản thân ngành công nghiệp hàng không đã cam kết đến năm 2050 sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon so với năm 2005. Một số hãng hàng không mặc dù lên kế hoạch thực hiện nhưng vẫn không tâm phục khẩu phục và cho biết sẽ xem xét các lựa chọn pháp lý.

Với một số nước như Trung Quốc, thái độ chống đối thể hiện rõ ràng hơn. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một đạo luật ngăn cản các hãng hàng không nước này tham gia. Do đó, các hãng hàng không Trung Quốc đang bị đặt vào một trận chiến, phải lựa chọn giữa việc tuân thủ luật của Trung Quốc hay luật của châu Âu.

Phần lớn hãng bay cho rằng một tiêu chuẩn toàn cầu sẽ là giải pháp tốt nhất, nhưng họ cũng biết phải mất nhiều thời gian để thuyết phục các bên liên quan đi tới sự nhất trí. Trong lúc đó, các hãng hàng không cũng như các tập đoàn chế tạo máy bay phải thông suốt rằng các hãng bay không chỉ cần hiệu quả mà còn cần nguồn nhiên liệu thay thế.

Hãng Airbus dự báo 30% nhiên liệu cần dùng trong ngành hàng không vào năm 2030 sẽ là nhiên liệu sinh học hoặc nhiên liệu thay thế. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giữa năm 2008 và 2011, 9 hãng hàng không và một số hãng chế tạo máy bay đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm với nhiều tỷ lệ hỗn hợp, có khi lên tới 50% là nhiên liệu có thể tái tạo.

IATA cho biết các cuộc thử nghiệm chỉ ra rằng không cần phải thiết kế lại máy bay để sử dụng nhiên liệu tái tạo mà có thể pha trộn nhiên liệu tái tạo với nhiên liệu hiện hữu. Vào giữa năm 2011, 11 hãng bay đã thực hiện các chuyến bay thương mại chở khách sử dụng hỗn hợp trong đó nhiên liệu tái tạo chiếm 50%, như các hãng KLM, Lufthansa, Finnair, Interjet, Aeroméxico, Iberia, Thomson Airways, Air France, United, Air China và Alaska Airlines.

Đầu tháng này, một tuyên bố trên trang web của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết đã cấm các hãng hàng không Trung Quốc tham gia kế hoạch của EU áp đặt thuế lên khí thải carbon; đồng thời cấm các hãng bay sử dụng chương trình mua bán khí thải của EU để tăng giá vé hoặc các loại phí đối với hành khách.

Truyền thông Trung Quốc “la làng” kế hoạch của EU sẽ dẫn tới một cuộc “chiến tranh thương mại” trong ngành hàng không. Cùng lúc, hơn một chục quốc gia khác, có cả Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ cũng phản đối kế hoạch của EU. Trung Quốc lo ngại ngành hàng không của họ phải tốn thêm 125 triệu USD mỗi năm cho các chuyến bay cất cánh/hạ cánh ở châu Âu và chi phí này có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2020.

Ủy ban châu Âu phản ứng rằng các hãng bay có thể xoay xở được vì giá vé chuyến bay khứ hồi đường dài sẽ tăng từ 4 đến 24EUR. Một số hãng hàng không đã nhanh chóng thông báo mức phí mới để thích nghi. Delta Airlines (Hoa Kỳ) thêm phụ phí 6USD mỗi vé bay hai chiều giữa Hoa Kỳ và châu Âu.

Lufthansa (Đức) cũng dự tính sẽ tăng phụ phí nhiên liệu từ 10 đến 135EUR với các chuyến bay quốc tế và 3 đến 39EUR với các đường bay EU. Rốt lại, có lẽ khách hàng của ngành hàng không sẽ là những người phải chịu gánh nặng phí phát thải này.

Các tin khác