Muốn bình đẳng về thuế
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump không nêu rõ những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng khi áp mức thuế quan mới nhưng cho biết đây là nỗ lực có thể giúp giải quyết các vấn đề ngân sách của Mỹ. Động thái này nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là áp thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ bằng với mức thuế mà các đối tác áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Thông báo được đưa ra trong cuộc gặp của ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đang có chuyến thăm Mỹ. Tổng thống Donald Trump từ lâu đã phàn nàn về mức thuế 10% của Liên minh châu Âu (EU) đối với ô tô nhập khẩu, cao hơn nhiều so với mức thuế ô tô 2,5% của Mỹ. Ông cho rằng, EU không mua ô tô của Mỹ nhưng vẫn xuất hàng triệu xe sang Mỹ mỗi năm.
Tổng thống Donald Trump và những thành viên Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu đưa gói thuế toàn diện và chi tiêu đầy tham vọng ra Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong phiên điều trần trước khi được Quốc hội phê chuẩn, trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết, các quốc gia khác sẽ cần phải giảm rào cản đối với hàng xuất khẩu của Mỹ nếu muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng. Ảnh: KYODO
Con dao 2 lưỡi
Với việc Tổng thống Mỹ chuẩn bị chính sách thuế “có đi có lại”, thế giới đang đi gần đến cuộc chiến thương mại đa mặt trận có nhiều rủi ro. Hy vọng của EU khi cho rằng, khối này có thể tránh được đòn thuế quan của Mỹ đã nhanh chóng tan thành mây khói khi ông Trump tuyên bố “sẽ làm điều gì đó rất đáng kể với EU vì khối này đã đối xử với Mỹ rất tệ”.
Theo Politico, chính quyền Tổng thống Donald Trump không coi thuế quan chỉ là một cách đảo ngược thâm hụt thương mại, mà còn là một phương tiện đánh thuế thế giới, đồng thời giảm thuế cho người Mỹ. Ông Trump muốn gia hạn Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, dự kiến sẽ hết hạn vào năm nay và sẽ khiến hơn 60% người nộp thuế có khả năng phải tăng thuế vào năm 2026.
Ông cũng đưa ra các ý tưởng cắt giảm thuế khác, bao gồm miễn thuế cho nhiều loại thu nhập khác nhau, chẳng hạn như trợ cấp lương hưu an sinh xã hội, tiền boa và tiền làm thêm giờ.
Tuy nhiên, trong khi người Mỹ có thể được giảm thuế, thì có khả năng giá tiêu dùng cao hơn đối với mọi thứ (do hàng nhập khẩu tăng giá) và chính người Mỹ là nạn nhân. Mặc dù Mỹ đã tạm dừng tăng thuế với Canada và Mexico, nhưng tác động tiềm tàng của chính sách này vẫn còn tồn tại.
Nếu chính quyền ông Trump tiếp tục tăng thuế, Mexico và Canada có thể trả đũa bằng cách áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, từ đó tác động đáng kể đến các ngành như ô tô, sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Đồng thời, căng thẳng thương mại cũng có thể thúc đẩy hai nước đẩy nhanh quan hệ thương mại với các nước khác, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và thúc đẩy sự phát triển đa dạng của nền kinh tế toàn cầu.
Lúc đó, Mỹ có nguy cơ bị đẩy vào thế phải chứng kiến phần còn lại của thế giới tiếp tục ký kết các thỏa thuận thương mại, làm giảm cơ hội của Washington trong việc cân bằng ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của các cường quốc đối thủ.
Ngày 7-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một sắc lệnh mới là tạm thời cho phép các gói hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp từ Trung Quốc được miễn thuế cho đến khi Bộ Thương mại nước Mỹ hoàn tất các thủ tục và hệ thống để thông quan các loại hàng này và thu thuế.
Như vậy, hàng hóa trị giá dưới 800 USD được nhập vào Mỹ được miễn thuế, nhưng vẫn phải qua khâu kiểm duyệt.