Cuộc đối đầu chưa lối thoát

(ĐTTCO)-Ngày 18-1, Nga thông báo thành lập một ngân hàng nhà nước có nhiệm vụ cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vốn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra. 
Cuộc đối đầu chưa lối thoát
Động thái mới nhất này một lần nữa cho thấy tình trạng đối đầu giữa Nga - Mỹ ngày càng trầm trọng.
Cạnh tranh không lành mạnh
Bộ Tài chính Nga cho biết ngân hàng này sẽ chuyên thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan tới các đơn đặt hàng trong lĩnh vực quốc phòng cũng như các hợp đồng lớn của nhà nước.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ ngân hàng này có thể được thành lập dựa trên nền tảng một ngân hàng tầm trung đang hoạt động. Việc thành lập một ngân hàng như vậy được cho là biện pháp bảo vệ các chủ cho vay khác của Nga trong bối cảnh các tổ hợp quân sự và công nghiệp của Nga nằm trong diện bị trừng phạt của Mỹ do có liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp quốc phòng, thể thao, cũng như truyền thông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15-1 đã tổ chức cuộc họp báo cho rằng rõ ràng Mỹ không muốn cạnh tranh lành mạnh với Nga trong các lĩnh vực này.
Theo ông Lavrov, Nga đã hoàn tất việc chuẩn bị và bắt đầu các thủ tục để kiện Mỹ về việc chiếm dụng các tài sản ngoại giao của Nga tại Mỹ. 
Tranh cãi qua lại
Cùng ngày 18-1, bất chấp sự phản đối của Tehran, một dự luật nhằm siết chặt các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã được trình lên Hạ viện Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa khẳng định phải thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn, dù cho biết Mỹ sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tới, đồng nghĩa thỏa thuận lịch sử trên vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh cần phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, vì nếu thỏa thuận này sụp đổ sẽ phát đi “thông điệp đáng lo ngại đối với toàn bộ cấu trúc an ninh quốc tế”. 

Trước đó, đáp lại chỉ trích của Nga về kết quả Hội nghị quốc tế nhằm gây sức ép cho Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Nga đang giúp Triều Tiên có được các nguyên vật liệu cần thiết, hành động vi phạm những biện pháp trừng phạt của LHQ.
Liên quan tới lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt Nga, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh Mátxcơva sẽ đáp trả thích đáng, nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế đối với truyền thông Nga. Tuyên bố còn cho rằng mặc dù các nhà báo Nga hoạt động tại Mỹ bị chèn ép, song Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) không hề lên tiếng phản đối, điều đó cho thấy tổ chức đảm trách nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi nhà báo ở phương Tây cũng rất thiên vị, định kiến và không có khả năng bảo đảm cách tiếp cận bình đẳng trong việc bảo vệ các “tiêu chuẩn thống nhất”. 

Ngoài ra, Nga cùng các đối tác khác như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang quan ngại về việc Washington thực thi chính sách chia nhỏ Syria thông qua sáng kiến mới, trong đó giúp đỡ Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) xây dựng các khu vực an ninh biên giới. 

Xung đột lợi ích giữa Nga - Mỹ không dừng lại ở đó. Theo Mátxcơva, với việc Mỹ đang có kế hoạch thực hiện dự án “Đại Trung Á” cùng với các nước Trung Á trong công thức S5+1 (gồm Mỹ, Kazakhstan, Kirgystan, Tajikistan, Turmenistan và Uzbekistan) mà không có sự tham gia của Nga cho thấy các dự án này không phải vì lợi ích kinh tế mà vì tham vọng địa chính trị của Mỹ.

Các tin khác