Đủ kiểu làm đường mới
Ở các nước phát triển, mỗi khi cần làm lại mặt đường đô thị, đơn vị thi công tiến hành nạo bỏ lớp phủ bề mặt đường cũ để khi đổ lớp mới vào thay thế không làm mặt đường thay đổi độ cao, đảm bảo sự cân đối giữa lòng đường và vỉa hè. Trong khi ở TP ta, đơn giản và nhanh nhất là đè lớp sau lên lớp trước, chỉ sau 1 đêm hàng km đường được trải lớp thảm nhựa bitum bóng láng, và được nâng cao lên 7-10cm.
Nhưng lớp nhựa đường cũ đã bị lão hóa sau thời gian sử dụng nên không kết dính được vào lớp mới trải, chỉ sau ít ngày sử dụng mặt đường xảy ra hiện tượng bong tróc, nứt nẻ, và chỉ sau một mùa mưa xuất hiện hàng trăm ổ voi, ổ gà như chúng ta thường thấy ở TPHCM.
Cũng cần phải nói thêm chuyện lớp nền cũ và mới không ăn nhau còn do các loại vật liệu năm nay khác các năm trước do công nghệ sản xuất khác nhau. Thí dụ điển hình là lớp thảm nhựa mới trải trên Quốc lộ 1A, cầu Thăng Long bị bong tróc chỉ sau 2 tuần thi công là bởi lý do này.
Theo cách thức truyền thống, TPHCM khi muốn những con đường lồi lõm, nhiều ổ gà bằng phẳng trở lại, chỉ có cách duy nhất là trải lớp khác đè lên trên rồi dùng xe lu nén xuống. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong trạng thái bình thường, cứ khoảng 2 năm các con đường ở các quận trung tâm TP được trải nhựa mới 1 lần, tuy nhiên cũng có những con đường chỉ vài tháng đã thấy làm lại.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, hàng trăm con đường được đào lên để lắp đặt hệ thống cống hộp, ngầm hóa hệ thống cung cấp điện, cáp truyền thông… nên việc trải thảm nhựa đường mới, dặm vá mới diễn ra thường xuyên và liên tục.
Chưa kể việc cải tạo đường ống dẫn nước cho các hộ gia đình, do mấy năm gần đây nhà máy cung cấp nước tăng công suất, áp lực nước mạnh hơn, các hộ gia đình đơn lẻ thuê công ty cấp nước thay đường ống mới có tiết diện lớn hơn, chỉ qua 1 mùa là cả đoạn đường dài xuất hiện hàng chục rãnh cắt ngang mặt đường nham nhở, và tái lập cẩu thả. Vậy là một thời gian sau lại phải phủ lớp nhựa đường lên cho đỡ xấu.
Đường lên, vỉa hè phải đu theo
Một tất yếu diễn ra là đường nâng lên vỉa hè cũng phải nâng theo, không thể để cho vỉa hè thấp hơn lòng đường được, như thế sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi vỉa hè thấp hơn lòng đường, khi tài xế bất cẩn, xe mất thắng, lạc tay lái sẽ lao ngay vào nhà dân bất kỳ lúc nào. Có nghĩa các vụ đụng độ giữa các phương tiện giao thông sẽ ảnh hưởng trực triếp đến sự an toàn của người dân sống 2 bên đường, nhất là ở các cửa hàng, siêu thị tụ tập đông người.
Hơn nữa, vỉa hè thấp hơn lòng đường, nước mưa sẽ tràn vào nhà dân, đồng nghĩa việc nâng vỉa hè cao hơn lòng đường là điều không tránh khỏi. Đó là yêu cầu bắt buộc trong thiết kế đô thị và tiêu chuẩn an toàn xây dựng.
Từ năm 1995 trở lại đây chúng ta được chứng kiến không ít hơn 5 lần vỉa hè được làm lại và nâng cao hơn bằng các vật liệu khác nhau, từ đá rửa kẻ ô vuông, sang tráng xi măng, từ gạch thẻ xếp đứng đến gạch con sâu, rồi sang gạch block và nay là gạch terrazzo.
Còn kè vỉa hè từ đá ốp vuông đến vạt chéo để cho xe máy phi thẳng lên cửa hàng, từ xi măng đổ khuôn đến đá đen, đá xanh, và nay là xi măng đúc khối. Vỉa hè năm nay so với 5-10 năm trước đã cao hơn đến hơn 30-40cm.
Nhưng xem ra tốc độ gia tăng của vỉa hè vẫn chậm hơn lòng đường. Trong cuộc khảo gần nhất của nhóm giáo viên và sinh viên Khoa đô thị học - Quản lý đô thị Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trên 80 con đường ở khu vực các quận nội thành TPHCM, cho thấy hơn 42 con đường (chiếm tỷ lệ 52%) có vấn đề. Trong 42 con đường đó có 35 con đường hay đoạn đường có lòng đường cao hơn vỉa hè (83%) và 7 (17%) con đường có lòng đường ngang bằng với vỉa hè.
Nếu mở rộng khu vực khảo sát số lượng con đường có lòng đường cao hơn vỉa hè sẽ nhiều hơn. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy hầu hết con đường trong khu vực 14 quận nội thành cũ có hình dạng sống trâu (hay mu rùa), giữa tim đường cao hơn hẳn vỉa hè, còn phần giáp vệ đường làm thấp hơn vỉa hè. Điều này đã tạo ra những con đường có độ vát nghiêng cao, rất nguy hiểm cho người đi xe khi trời mưa.
Sở làm, quận làm, nhà cũng phải lên
Tại sao lại diễn ra cuộc đua như vậy, tìm hiểu kỹ mới tá hỏa đường do sở GTVT chịu trách nhiệm, còn vỉa hè do các quận phụ trách, vì vậy mới cho chuyện mạnh ai nấy làm, không phối hợp được. Mà dù sở hay quận có nhận ra điều bất hợp lý này vẫn cứ phải làm, vì kinh phí trong năm đã rót xuống, các hợp đồng với các nhà thầu đã ký không còn đường thối lui nữa.
Có như thế chúng ta mới xót xa để hiểu tại sao họ không đợi làm cho xong cống ngầm, hay ngầm hóa các thiết bị điện, viễn thông cho xong mới tiến hành làm vỉa hè, mà vội vã làm ngay cả khi đường còn đang dở dang. Hậu quả nhãn tiền, hàng trăm ngàn mét vuông vỉa hè đẹp đẽ là thế nay bị nát bấy bởi hàng triệu người lao xe lên vỉa hè để thoát kẹt xe dưới lòng đường...
Điều nữa không thể không nói đến, là khi lòng đường nâng lên, vỉa hè nâng lên, nền nhà người dân ắt cũng phải được nâng lên, vì nếu không nâng lên lòng nhà trở thành hồ chứa nước mưa, nước thải. Hầu hết nhà mặt tiền đều đã có ít nhất vài lần nâng lên cho tương xứng với vỉa hè, nhiều nhà nâng lên cả mét để trừ hao trước.
Và như thế lại xuất hiện hàng ngàn vỉ sắt, đường trượt xi măng dẫn từ vỉa hè vào nhà, tạo ra khung cảnh vỉa hè lồi lõm, xiên xẹo, khập khiễng, màu sắc xanh đỏ, vật liệu khác nhau từ bê tông, gạch lát, gạch men, đá rửa, đá granite… chả giống bất kỳ thành phố nào trên thế giới.
Cuộc đua lòng đường - vỉa hè - nền nhà phố xem ra còn nhiều tập nữa, chẳng biết đến khi nào chấm dứt?