(ĐTTC)- Tối 5-6, Báo SGGP Đầu tư Tài chính (ĐTTC) tổng kết cuộc thi Phóng sự - Ký sự “Doanh nhân - Bản lĩnh và cống hiến”, sau 1 năm phát động.
![]() |
Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thay mặt Ban tổ chức, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo SGGP, cho biết viết về doanh nhân là đề tài hấp dẫn, được người đọc quan tâm, đọc để hiểu thời cuộc và đọc để rút ra điều gì cho chính mình, góp phần giải mã đời sống và cách nghĩ, cách làm của các doanh nghiệp, nên ngay sau khi phát động, cuộc thi đã thu hút lực lượng nhà văn, nhà báo, một số cây bút không chuyên vào cuộc mạnh mẽ, gửi nhiều tác phẩm tham dự. Đã có trên 700 tác phẩm gửi về dự thi, tòa soạn đã chọn đăng 94 bài.
“Sau ngày phát động cuộc thi, mỗi số Báo ĐT-TC đều xuất hiện một gương mặt doanh nhân tiêu biểu trên mọi miền đất nước. Đó là những người con đất Việt, không chùn bước trước khó khăn, thách thức, vượt lên chính mình, khẳng định mình trong thương trường. Nhiều bài dự thi cũng khắc họa những gương mặt doanh nhân là nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam với những thành tựu và trắc trở họ vấp phải khi lập nghiệp trên vùng đất mới” - ông Lê Tiền Tuyến phát biểu.
Ở khía cạnh khác, nhà văn Lê Văn Thảo, thành viên Hội đồng Giám khảo, nhận xét: "Trong số tác phẩm nói trên có 20 bài viết được đưa vào chung khảo, các thứ hạng được xét tặng, các tác giả được vinh danh. Nhưng đằng sau con số đó còn có bóng dáng lớn hơn, chính là nhân vật của các bài viết. Chính từ tấm gương, tài năng, đức độ, nghị lực của họ với những sáng kiến táo bạo đã làm cho bài viết tỏa sáng, người đọc ngưỡng mộ.
Nhận định tổng thể cuộc thi, ông Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập báo SGGP, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, cho biết các bài viết đã bám sát mục đích, yêu cầu của cuộc thi trong việc phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới trên lĩnh vực kinh tế. Bằng thể loại phóng sự - ký sự, tác giả đã khai thác nhân vật theo hướng người thật, việc thật nên bài viết đã mang tính thuyết phục cao, thu hút được người đọc.
Đồng tình với các nhận định trên, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho rằng cuộc thi không chỉ vinh danh mà còn khắc họa được góc khuất của nhân vật, đó là những thăng trầm, những điều mà doanh nhân chưa thành công để làm bài học.
Bà Thân Thị Thư khẳng định giữa lúc tốt - xấu, thật - giả đan xen, cuộc thi đã làm nổi bất được những nhân tố tích cực, tấm gương điển hình, những câu chuyện có thật để động viên, khuyến khích sự làm giàu chân chính của doanh nhân. Việc làm này càng ý nghĩa khi trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập báo SGGP khẳng định cuộc thi đã thể hiện được định hướng của báo Đảng trong việc tập trung tuyên truyền về nhân tố mới. Báo SGGP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân tố mới ở các tầng lớp trong xã hội để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu như lời chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Hội đồng Giám khảo đã thống nhất trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 6 giải khuyến khích. Ngày 16-6, Ban Biên tập Báo SGGP sẽ tổ chức buổi Gala truyền hình trực tiếp chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, kỷ niệm 5 năm thành lập báo ĐTTC và trao giải cuộc thi Phóng sự - Ký sự “Doanh nhân – Bản lĩnh và cống hiến”. 70 tác phẩm chọn lọc được in trong tập sách là 70 gương mặt “chiến sĩ thời bình”.