(ĐTTCO) - Số liệu này được NHNN đưa ra tại báo cáo "Một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo cho biết, đến ngày 31-5-2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn cùng kỳ và 3/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Theo Thống đốc, tín dụng những tháng đầu năm 2022 tăng phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, tính đến cuối tháng 4, số liệu NHNN cho thấy, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%, khoảng 37.000 tỷ đồng.
Theo NHNN, lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động NH, cần có các giải kiểm soát giải pháp. Theo đó, cơ quan này đã hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động NH.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán và bất động sản để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD.
Tuy nhiên, NHNN cũng nhận định, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... đã ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Báo cáo nêu rõ, mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan để lành mạnh hoá, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý để kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.
Cũng liên quan đến tín dụng bất động sản, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 chiều ngày 4-6, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, các chuyên gia dùng từ siết tín dụng bất động sản là chưa chuẩn. NHNN chưa có văn bản nào nói "siết" , hay "thắt" với lĩnh vực này. NHNN khuyến khích tín dụng vào nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... Ngoài ra, chương trình hỗ trợ 2% lãi suất dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ... do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN từ trước đến nay là kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro lớn. Bất động sản là đối tượng cần kiểm soát chặt chẽ, tín dụng vào kinh doanh các dự án thuộc phân khúc khu nghỉ dưỡng, dự án có tính đầu cơ, lũng đoạn giá.