Ngày 27-3, phiên tòa xét xử vụ án (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho bị cáo.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) – Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN) tại tòa. Ảnh: CAO THĂNG
Bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, các luật sư cho rằng mức án chung thân về tội nhận hối lộ mà Viện kiểm sát (VKS) đề nghị là quá nghiêm khắc. Theo luật sư Nghiêm Diệu Thúy, cáo trạng cáo buộc Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát) và Đỗ Thị Nhàn là người chỉ đạo đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra đã chia làm các tổ, sau khi các thành viên làm việc xong cũng đã tập hợp, báo cáo lại bị cáo Nhàn, bị cáo Nhàn đã báo cáo bị cáo Hưng để đưa ra bản kết luận cuối cùng.
Các bị cáo tại tòa, sáng 27-3. Ảnh: CAO THĂNG
Luật sư cho rằng, như vậy thì việc xác định tội danh cho bị cáo Nhàn là chưa phù hợp và đề nghị đánh giá lại vai trò của bị cáo.
Luật sư cho rằng, trong chuỗi hành vi khép kín ấy, bị cáo Hưng bị VKS truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có khung hình phạt cao nhất là 10-15 năm. Bị cáo Nhàn bị truy tố tội “Nhận hối lộ” có khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đây là truy tố không công bằng giữa Nhàn và các bị cáo khác.
Các bị cáo trong vụ án tại tòa. Ảnh: CAO THĂNG
Bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, luật sư Nguyễn Đình Ứng phân tích, không có sự bàn bạc về vấn đề tiền giữa Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn. Điều đó được chứng minh thông qua việc Đỗ Thị Nhàn đã không chủ động nhận quà từ Lan mà Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc) là người chủ động nhờ Nhàn gặp Lan để bàn bạc về vấn đề nhờ bán tài sản, trao đổi về các khoản vay. Điều này cũng phù hợp với nội dung khai của Văn trước tòa.
Bên cạnh đó, thời điểm Đỗ Thị Nhàn nhận tiền diễn ra sau khi kết thúc thanh tra, đã ký biên bản thanh tra và có báo cáo khách quan lên cấp trên, nội dung thanh tra đã được hoàn thành. Việc chỉnh sửa số liệu dự thảo, bị cáo Nhàn thực hiện khi nhận lệnh từ cấp trên, còn trong hồ sơ vụ án hay lời khai của Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn đều không có thỏa thuận về việc yêu cầu bà Lan đưa tiền để thay đổi kết quả thanh tra.
Theo luật sư, điều này là hợp lý vì kết quả báo cáo trình Chính phủ, Đỗ Thị Nhàn không có thẩm quyền cao nhất, trên bị cáo còn có cấp trên có thông qua, đồng ý với báo cáo hay không.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: CAO THĂNG
Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa. Ảnh: CAO THĂNG
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát) tại tòa. Ảnh: CAO THĂNG
Bào chữa bổ sung, Luật sư Nguyễn Thị Hải Hương nêu quan điểm không đồng tình với luận tội của VKS rằng bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi vì chưa phù hợp với hướng dẫn tại Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ - PV).
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) – Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN) tại tòa. Ảnh: CAO THĂNG
Tự bào chữa, bị cáo Nhàn cho biết bản thân vô cùng ân hận với hành vi phạm tội của mình, dằn vặt cho bản thân và xấu hổ cho gia đình. Bị cáo đã ăn năn hối cải, tích cực hợp tác, nộp lại toàn bộ tang vật. Thời gian qua, bị cáo đã xuống 19kg vì hai cú sốc là mất mẹ và chưa lo vẹn toàn việc này thì bị cáo bị bắt. Từ đó đến nay, bị cáo xuất hiện những cơn đau tim liên tục, đã được trại giam tạo điều kiện chữa bệnh.
Tại tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nghẹn ngào nói bị cáo không muốn mang gia đình, bệnh tật ra để xin tòa, chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng đầy đủ sự khoan hồng của pháp luật.