Cùng với việc tái lập ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, theo các chuyên gia nhiệm vụ chống đình đốn kinh tế là tập trung sức cứu các DN thoát khỏi nguy cơ phá sản, đóng cửa, ngưng hoạt động và thu hẹp kinh doanh bằng các chính sách tín dụng, tài khóa….
Yếu và thiếu đủ đường
Chiếm đến 97% DN ở Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng cũng là lực lượng gặp nhiều khó khăn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây 4 năm, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận vốn. Ngoài lãi suất vay cao, nguyên nhân quan trọng khiến nhiều DNNVV, thậm chí cả DN lớn gặp khó trong hoạt động còn do năng lực bị hạn chế.
Để DN và ngân hàng có thể gặp nhau, cần củng cố bộ máy trong các tổ chức DNNVV và ngân hàng. Theo đó, DNNVV phải cải thiện quy trình kế toán, tài chính và quản lý hành chính mới giành được lòng tin của ngân hàng. Phía các ngân hàng cần áp dụng các chuẩn mực về báo cáo tài chính và kỹ năng quản lý rủi ro theo hiệp định Basel II để quản trị rủi ro tốt hơn. TS. MICHEL HENRY BOUCHET, |
Điều này thể hiện rõ qua việc xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Nhiều DN có ý tưởng kinh doanh nhưng để biến ý tưởng đó thành kế hoạch, dự án cụ thể lại rất lúng túng. Mặt khác, do chưa có quy định bắt buộc báo cáo tài chính của tất cả DNNVV phải được kiểm toán, nên nhiều DN cung cấp thông tin cho ngân hàng không đầy đủ hoặc kém chuẩn xác nên khó tiếp cận vốn.
Bản thân DNNVV không có lợi thế về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ hoặc tín chấp khi vay vốn như các DN nhà nước, tập đoàn kinh tế. Ngoài ra còn do thiếu hụt thông tin thị trường nên sản xuất kinh doanh của khối DN dễ bị rủi ro, ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ ngân hàng, càng khiến việc vay vốn thêm khó khăn.
Nhiều ngân hàng coi DNNVV là khách hàng tiềm năng và thiết kế các gói sản phẩm dành riêng cho đối tượng này. Tuy nhiên, do năng lực tài chính cũng như nhiều ngân hàng bị hạn chế về nguồn cung nên thường ưu tiên dành vốn cho khách hàng truyền thống.
Bởi hơn 90% tỷ trọng vốn của các ngân hàng hiện nay là ngắn hạn nhưng hầu hết DNNVV lại cần vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất. Ngân hàng cho rằng có nhiều chính sách linh hoạt cho DN nhưng có một thực tế là nhiều DN lập dự án vay vốn thiếu sự thuyết phục về hiệu quả của dự án.
Cần hỗ trợ từ nhiều phía
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng điểm quan trọng đầu tiên là Chính phủ tiếp tục quyết liệt tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất, hướng tới việc giảm lãi suất xuống mức hợp lý.
Các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước để điều chỉnh chính sách kịp thời; tiếp tục giãn thuế và xem xét khả năng giảm thuế thu nhập đối với DN hoạt động trong một số lĩnh vực.
![]() |
Khó khăn đối với DNNVV là thiếu thông tin thị trường. Ảnh: HOÀI VY |
Theo nhiều chuyên gia, cách tiếp cận đến mục tiêu phát triển năm 2012 là ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lòng tin, xác lập mô hình tăng trưởng mới; phấn đấu giảm lạm phát xuống theo hướng bền vững là 6-7%; kiên quyết giảm thu ngân sách xuống 22-23% GDP, trên cơ sở đó giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP.
Một giải pháp tháo gỡ khó khăn nữa là Nhà nước có thể đứng ra mua các khoản nợ xấu cho các DN có tiềm năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn vì những thay đổi, biến động chính sách kinh tế hiện nay. Các khoản nợ này mua trong khoảng 2-3 năm. Khi nền kinh tế tốt lên, DN phát triển trở lại, có thể bán lại các khoản nợ thông qua thúc đẩy DN lên sàn.
Đây là kinh nghiệm một số nước đã áp dụng trong thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính vừa qua, nhiều khoản nợ được cơ cấu theo hình thức này đã giúp DN vượt khó và Nhà nước cũng được lợi vì giá bán cao hơn giá mua ban đầu. Sau khi mua nợ, DN hồi phục được, khi đó Nhà nước có cơ sở để hoãn nợ, giãn nợ. Bởi lẽ nếu DN không trả được nợ, việc hoãn nợ, giãn nợ, thậm chí tạm hoãn, giãn nộp thuế DN cũng chỉ là hình thức.
Theo các chuyên gia, để vượt qua khó khăn năm 2012, DN cần rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn liền với kế hoạch tài chính (tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm); mở rộng thị trường nội địa; tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế; thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Phi, Mỹ Latin…
Theo Viện Phát triển DN, các DN cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; đa dạng nguồn vốn và không quá phụ thuộc vào ngân hàng; cơ cấu lại danh mục sản phẩm để đảm bảo duy trì được thị trường chính, khách hàng lâu dài...