Hạt điều là một trong những mặt hàng thuộc "câu lạc bộ xuất khẩu nông sản tỷ đôla" của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ hiện nay, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà.
Do đó, các chuyên gia ngành điều cũng như Hiệp hội Điều Việt Nam đang đặt ra hướng đi mới cho ngành điều, trong đó chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm điều chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang ngày một lớn hơn.
Chất lượng trở thành vấn đề lớn của ngành chế biến hạt điều Việt Nam khi vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam nhận văn bản cảnh báo từ hai hiệp hội ở Mỹ và châu Âu cùng một số khách hàng về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đang có xu hướng đi xuống, trong đó có những chỉ tiêu bị cảnh báo như sâu mọt sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ...
Từ "thủ phủ điều Việt Nam," tỉnh Bình Phước ghi nhận sự sụt giảm chất lượng và khuyến cáo người trồng điều chú ý hơn đến các vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu xử lý, sơ chế.
Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nguồn nguyên liệu điều thô trong nước chỉ mới đáp ứng được 30% công suất sản xuất của các nhà máy chế biến điều Việt Nam.
Số lượng còn lại vẫn phải nhập khẩu từ các quốc gia khác nên việc quản lý chất lượng hạt điều nguyên liệu phục vụ cho chế biến phải được thực hiện nghiêm ngặt, mới có thể giữ vững thị trường, cũng như giữ được giá trị và thương hiệu hạt điều Việt Nam.
Thế nhưng, cũng chính vì cảnh báo về chất lượng này, ngành điều Việt Nam cần phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng cuối cùng.
"Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến điều cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, để có nguồn nguyên liệu chưa ổn định, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho điều chế biến xuất khẩu của nước ta," ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ.
Theo thống kê Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành điều ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá trong các thị trường nhập khẩu hạt điều Việt Nam thì thị trường Trung Quốc đã chi tiền gấp đôi để nhập khẩu hạt điều Việt Nam so với năm 2022. Điều này khiến cho thị trường Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu hạt điều Việt Nam lớn nhất trong các thị trường, với mức tăng trưởng 42,3%, với kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước ta sang thị trường này lên tới 433,8 triệu USD.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đưa ra dự báo, trong 2 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ nhích lên nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm.
Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao, gần như chắc chắn xuất khẩu điều cả năm sẽ vượt mục tiêu 3,1 tỷ USD đề ra từ đầu năm, dự báo có thể đạt 3,3 tỷ USD.