VN đã xác định không “zero Covid”, nhưng để sống chung an toàn với dịch bệnh, vấn đề đặt ra là nên mở cửa với thị trường nào trước và điều kiện hành khách nhập cảnh ra sao.
Nhiều nước muốn nối lại đường bay
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chiều 19.10, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại VN Gennady Bezdetko đã đề nghị cần khởi động lại các chuyến bay thương mại thường lệ giữa hai nước nhằm phục vụ người dân đi du lịch, nhà đầu tư, du học sinh...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn hai bên bàn thảo mở các chuyến bay thường lệ từ các thành phố lớn của Nga đến các trung tâm kinh tế, du lịch của VN như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để tạo điều kiện cho người dân 2 nước đi du lịch, thăm thân, đầu tư...
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại VN Jaya Ratnam cũng đề nghị mở lại các chuyến bay thương mại giữa 2 nước. Ông Jaya Ratnam cho biết hiện nhiều doanh nghiệp Singapore mong muốn hợp tác và hợp tác lâu dài với VN, thể hiện niềm tin trong đầu tư vào VN.
Trước đó, làm việc với TP.Hà Nội sáng 19.10, đại diện Eurocham cũng bày tỏ kỳ vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm việc bình thường.
Một trong những vướng mắc đặt ra khi mở lại bay quốc tế là giữa nước chiều đi và chiều đến phải đạt được sự thống nhất về công nhận “hộ chiếu vắc xin”, các điều kiện của hành khách... Tuy nhiên, các vướng mắc này đã được tháo gỡ do tỷ lệ tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 tại nhiều nước và ngay cả VN hiện đều đã ở mức cao.
Đáng chú ý, trong tháng 9.2021, sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đón 4 chuyến bay trong đợt triển khai thí điểm đón khách có hộ chiếu vắc xin vào VN. Đã có gần 1.000 công dân VN có hộ chiếu vắc xin tại Pháp, Mỹ, Nhật Bản về nước an toàn và thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, hãng hàng không này vẫn đang thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ chiều đi sang các nước như Úc, Nhật, Hàn Quốc, song chưa được thực hiện chiều về. Các chuyến bay chở khách nhập cảnh đều là chuyến bay công vụ hoặc chở công dân về nước.
“Vietnam Airlines đã đề xuất lên Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép mở lại các đường bay thương mại thường lệ vào VN”, ông Tuấn cho hay.
Loay hoay sẽ mất lợi thế cạnh tranh
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Bộ GTVT cũng rất mong muốn mở lại đường bay quốc tế, vừa tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không vừa “cứu” ngành du lịch. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào ý kiến các bộ Y tế, Ngoại giao, TT-TT, VH-TT-DL... tổng hợp báo cáo Chính phủ trong cuộc họp về vấn đề này (dự kiến diễn ra vào ngày 21.10). |
Cũng theo vị đại diện Vietnam Airlines, việc mở lại các đường bay quốc tế nếu không thực hiện sớm sẽ lỡ mất cơ hội cạnh tranh điểm đến. Nhiều nước kiểm soát dịch tốt đã mở hẳn, thậm chí không cần tiêm 2 mũi vắc xin mà chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính là được nhập cảnh.
“Tại VN, chúng ta vẫn đang quy định tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính và quy định thêm thời gian cách ly tập trung, tức là về điều kiện đã chặt chẽ. Các nước xung quanh đã mở cửa nhiều, cả Singapore, Thái Lan.
Nếu chúng ta vẫn loay hoay chậm mở cửa thì sẽ mất hết lợi thế cạnh tranh điểm đến, không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn cả cơ hội đầu tư sau đại dịch. Mở lại đường bay quốc tế không chỉ tác động đến thị trường hàng không, mà còn là đòn bẩy tới du lịch và giao thương, đầu tư”, ông Tuấn nhìn nhận.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là các khu vực kiểm soát dịch tốt. Như Nhật Bản trong một tuần qua tỷ lệ nhiễm Covid-19 hạ xuống rất nhanh trở thành “vùng xanh”. Đây là các thị trường du lịch và đầu tư rất lớn với VN, cần ưu tiên mở lại đường bay đầu tiên.
Ngoài ra, Úc có nhu cầu bay 2 chiều rất lớn vì cộng đồng người Việt lớn, và Úc cũng kiểm soát tốt dịch bệnh.
Với khách nhập cảnh VN, ngoài quy định tiêm đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính, nếu tại những vùng dịch cao có thể quy định cách ly 3 - 5 ngày tại các cơ sở lưu trú, khách sạn.
“Nếu cách ly 7 ngày hoặc 15 ngày thì sẽ không người nào muốn bay vào. Sau khi mở thử nghiệm tại những thị trường trọng yếu, có thể tiến tới mở cửa dần các thị trường khác trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh của từng nước. Singapore cũng kiểm soát dịch khá tốt và họ đang mở cửa dần. Kế hoạch mở lại bay quốc tế của VN cũng nên theo hình thức test dần từng thị trường, chứ không mở cửa ồ ạt”, ông Tuấn khuyến nghị và cho rằng cần mở dần từ nay đến cuối năm, tránh đứt đoạn thị trường quá lâu, đánh mất nhiều cơ hội.
Theo đại diện một hãng hàng không, việc mở lại đường bay quốc tế nên tiến hành theo giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chỉ tập trung vào các sân bay đầu mối như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, thậm chí Phú Quốc và vẫn áp dụng chính sách cách ly 7 ngày với điều kiện tiêm đủ 2 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính.
Cục Hàng không có thể lựa chọn một số đường bay cần thiết như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Úc, Singapore, giới hạn tần suất khai thác tối thiểu 2 - 3 chuyến khứ hồi/tuần. Công bố sớm lịch bay thường lệ để khách quốc tế có kế hoạch chuẩn bị, đồng thời cho phép khách tự do đặt vé qua website, đại lý, phía VN sẽ công bố khách sạn cung cấp gói combo (nghỉ ngơi, xét nghiệm, đưa đón đảm bảo an toàn).
Giai đoạn 2 sau khi thí điểm thành công giai đoạn 1, trên cơ sở tỷ lệ tiêm vắc xin trong nước tăng cao, thì bỏ cách ly, đi lại bình thường. “Việc cho phép thí điểm mở lại bay quốc tế sẽ cho các nhà đầu tư, khách du lịch thấy VN đã sẵn sàng mở cửa và hòa nhập, sống chung với Covid-19”, vị đại diện này cho hay.
“Đa số các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin tốt, nhất là những nước kiểm soát dịch tốt, thậm chí còn cho đi lại nội địa thoải mái. Nguy cơ bùng dịch không cao nếu chúng ta mở cửa cho vùng xanh, tiêm đủ vắc xin, xét nghiệm âm tính và yêu cầu khách cách ly, áp dụng biện pháp 5K. Nếu là khách du lịch thì áp dụng quy định về điểm đến từ sân bay khách tới thẳng các khu resort, chỉ ở trong một số khu nhất định không tiếp xúc cộng đồng nhiều, nguy cơ lây lan sẽ rất thấp. Đừng nên cẩn trọng hay sợ quá trong việc mở cửa, vì trước đây mục tiêu là “zero Covid”, nhưng hiện nay đã xác định sống chung với dịch”.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)