Một cửa hàng ẩm thực tại chợ Cồn, Đà Nẵng |
Chợ Cồn, chợ Hàn (quận Hải Châu) là một trong những điểm mà du khách lựa chọn thưởng thức ẩm thực và mua quà trước khi rời TP Đà Nẵng. Họ khá yên tâm khi dạo trên lối đi sạch sẽ, thông thoáng, nền gạch trắng sáng. Quầy sạp gọn gàng với các tủ kính, khay đựng thức ăn, bàn, ghế... được đóng theo cùng kích cỡ tạo cảm giác bắt mắt. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng theo từng ngày.
Hầu như tiểu thương đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tất cả mặt hàng đều có xuất xứ, in nhãn hiệu, ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng. Đối với những mặt hàng được trích xuất mua theo kilôgam, tiểu thương phải dán mã QR do lực lượng chức năng cung cấp để tiện tra cứu nguồn gốc.
Còn theo bà Khuất Thị Huyền Quyên, tiểu thương bán nem, chả tại chợ Cồn, lúc buôn bán phải luôn mang bao tay, khẩu trang, bán xong đậy kín để bảo quản. Vì là hàng hóa sản xuất thủ công, không có chất bảo quản nên bà Quyên không bao giờ để thực phẩm qua ngày.
Theo ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn, cao điểm du lịch, lượng khách đến chợ thưởng thức ẩm thực, mua sắm tăng hơn ngày thường. Dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay, có khoảng 7.000-10.000 lượt khách đến mua sắm mỗi ngày. Chính vì vậy, các chợ truyền thống phục vụ du lịch được cải tạo theo tiêu chí chợ an toàn văn minh. Khu vực bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bố trí rộng rãi, không có rác, nước thải ứ đọng hay mùi hôi. Gian hàng kinh doanh ăn uống, thực phẩm đều trang bị bàn inox, bảng hiệu, tủ kính, thùng rác... Tiểu thương kinh doanh thực phẩm đều có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, cam kết nguồn gốc.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng nhìn nhận, việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong cao điểm du lịch chủ yếu do các yếu tố như nắng nóng tăng cao khiến các vi sinh vật phát triển thuận lợi. Dịch Covid-19 gây gián đoạn nguồn nhân lực và sự bùng phát du lịch khiến quá tải cục bộ dẫn đến các điểm du lịch khó tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Giải pháp lâu dài là truyền thông đi trước một bước; thanh - kiểm tra toàn diện để tạo sức lan tỏa và tranh thủ sự tham gia của du khách.
Sau khi lập danh sách cơ sở dịch vụ ăn uống để theo dõi, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng phối hợp Sở Du lịch đào tạo nghiệp vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, ban quản lý tạo ra sân chơi bình đẳng để an toàn vệ sinh thực phẩm gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp. Nếu là cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng sẽ trả tiền đúng với chất lượng. Nếu làm không tốt, họ sẽ là người “trừng phạt” doanh nghiệp.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đến năm 2030, Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch ẩm thực quốc tế đặc sắc, chất lượng cao của Việt Nam và khu vực, nơi hội tụ ẩm thực truyền thống và hiện đại, địa phương và quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc định hướng thị trường, đối tượng, thị hiếu khách, an toàn thực phẩm sẽ là tiêu chí khi hình thành các sản phẩm du lịch ẩm thực có chất lượng và đặc sắc.