Đã trình phương án giảm thuế xăng dầu

(ĐTTCO)- Bộ Tài chính cho hay đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, tạo áp lực lớn lên kỳ điều hành ngày 1-3.
Một số cây xăng ở Đắk Lắk vẫn đóng cửa. Trong ảnh: Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra một cửa hàng xăng dầu tại thị xã Buôn Hồ - Ảnh: B.T.
Một số cây xăng ở Đắk Lắk vẫn đóng cửa. Trong ảnh: Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra một cửa hàng xăng dầu tại thị xã Buôn Hồ - Ảnh: B.T.

Theo dữ liệu được Bộ Công thương cập nhật đến ngày 24-2, giá xăng thành phẩm (khác giá dầu thô) trên thị trường Singapore đã là 117,23 USD/thùng với xăng RON95 (so với 109,3 USD/thùng của kỳ điều chỉnh ngày 21-2). 

Dầu diesel cũng lên mức 115,82 USD/thùng, tăng so với mức giá 107,75 USD/thùng kỳ trước đó. Như vậy, giá xăng dầu thành phẩm đã tăng khoảng 5%.

Có thể giảm 2.000 đồng/lít từ thuế môi trường?

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 28-2, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. 

Nhưng thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo tính toán, hiện 1 lít xăng đang "cõng" khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại. Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng để kìm đà tăng giá tăng dầu, có thể giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xuống mức chỉ còn 2.000 đồng/lít xăng thay vì 4.000 đồng/lít. Mức thuế này có thể tăng lại khi giá xăng dầu hạ nhiệt.

Doanh nghiệp vẫn kêu lỗ

Một đại lý kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết sau kỳ điều chỉnh ngày 21-2, mặc dù giá xăng dầu đã tăng thêm 1.000 đồng/lít nhưng mức chiết khấu với xăng E5RON92 chỉ 290 đồng/lít, xăng RON95-III là 140 đồng/lít, dầu diesel 0.05 là 300 đồng/lít. Trong đó, mặt hàng xăng RON95 và dầu diesel vẫn hạn chế bán ra.

Tại TP.HCM, mức chiết khấu này còn thấp hơn nhiều. Ông N. - giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng xăng dầu phía Nam - cho biết chỉ ở mức 50 đồng nhận tại kho nên doanh nghiệp bán lẻ vẫn chịu lỗ khi chi phí nhân viên, vận chuyển, hao hụt cao hơn mức 50 đồng.

Đại diện Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết hiện nay chênh lệch giữa giá cơ sở của kỳ trước với kỳ này được tính toán đến ngày 27-2 đã lên tới 600 đồng/lít với xăng và 450 đồng/lít với dầu. 

Trường hợp giá xăng dầu thế giới ngày 28-2 tiếp tục tăng, giá trong nước sẽ còn tăng cao hơn nữa. Do đó, kỳ điều hành ngày 1-3 đứng trước áp lực cao.

"Nếu tiếp tục tăng giá lần này thì doanh nghiệp sẽ bù đắp được chi phí, giảm bớt gánh nặng, song sẽ tạo gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng khi giá tăng liên tiếp trong 6 kỳ vừa qua" - vị doanh nhân này nói.

Còn theo một doanh nghiệp đầu mối khác tại phía Nam, với mức giá thế giới tăng cao, nếu kỳ điều hành ngày 1-3 không xả mạnh quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 400 đồng. 

Hiện quỹ bình ổn của doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp đã âm, tổng quỹ hiện chỉ còn gần 900 tỉ đồng - rất thấp, khó có thể kéo dài xả quỹ.

Đã trình phương án giảm thuế xăng dầu - Ảnh 2.

Nhiều đơn vị từng bối rối với quy định giảm thuế VAT - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Có phương án điều hành giá 2 ngày/lần

Thông tin từ Bộ Công thương cho hay các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khoảng 2,4 - 2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do trong nước giảm sản xuất và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế.

Về điều hành giá, Bộ Công thương thống nhất điều hành theo tinh thần nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận giá thế giới. Theo đó, trước hết sẽ tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nhưng khi cần thì 2 ngày/lần.

Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp đầu mối băn khoăn về việc phân giao hạn ngạch để nhập khẩu xăng dầu. Bởi nếu giá dầu giảm mạnh, có thể khiến các doanh nghiệp "ôm" hàng đắt, gặp rủi ro lớn. 

Chưa kể thị trường cũng đang khan hàng, mua theo sản lượng được phân giao sẽ khiến phụ phí rất cao.

Giảm thuế VAT: giới vận tải vẫn rối

"Sau khi tổng cục có văn bản hướng dẫn, việc áp dụng dễ hiểu hơn. Tuần qua, chúng tôi không còn nhận được thắc mắc từ các doanh nghiệp, hiệp hội nữa" - đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết.

Cụ thể, hướng dẫn mới nhất của tổng cục đã làm rõ những băn khoăn mặt hàng nào được hưởng giảm thuế VAT 2%.

Nghị định 15 đưa ra danh mục loại trừ những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan gặp vướng mắc và khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu.

Hướng dẫn mới của Tổng cục Hải quan lưu ý trường hợp hàng hóa nhập khẩu không được nêu tại danh mục ở cả ba phụ lục kèm theo thì đương nhiên được áp dụng thuế VAT 8%.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, giới vận tải và logistics vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc nhận diện các mã hàng để khai báo thuế VAT 8% hay 10%.

Anh Tuấn, nhân viên khai báo hải quan của một đại lý ở TP.HCM, cho biết một số tờ khai vẫn bị vướng giữa mã hàng và tên hàng nên các doanh nghiệp rất sợ bị phạt vi phạm hành chính.

Thực tế có doanh nghiệp đã bị phạt vì hải quan cho rằng doanh nghiệp cố tình lách thuế. "Vẫn chưa thể suôn sẻ, chắc cần thêm thời gian nữa", anh Tuấn cho biết.

Với thị trường tiêu dùng nội địa, chỉ ở những siêu thị, công ty, cửa hàng có xuất hóa đơn rõ ràng thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi giảm VAT.

Ngày 28-2, tình hình khai thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng hóa xuất nhập khẩu theo chủ trương giảm VAT từ 10% xuống còn 8% đang dần đi vào ổn định. Nhưng giới vận tải, logistics… vẫn rối.

Các tin khác