Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm được các đại biểu Quốc hội (ĐB) chỉ ra.
Vấn nạn lừa đảo trực tuyến
Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), tình trạng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa; tình trạng quá tải bệnh viện, lừa đảo trực tuyến tăng cao… đang là vấn đề mà cử tri, nhân dân lo lắng.
“Không chỉ người dân, cán bộ công chức mà chính đại biểu Quốc hội ngồi đây, ai cũng nhận được các cuộc gọi điện thoại quảng cáo, làm phiền hay lừa đảo”, ĐB phản ánh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp quyết liệt để xử lý nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn. Do đó, ĐB kiến nghị cần quan tâm có giải pháp thực sự hiệu quả cho tình trạng này.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng cho rằng, cần chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân, cả về thể chất và tinh thần. ĐB lo ngại khi gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm hình sự, gây bất an trong xã hội, chi phối sự tập trung của doanh nghiệp, người dân cho phát triển kinh tế. ĐB cho rằng, lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều, số tiền bị lừa ngày càng lớn, người dân thực sự bức bối.
Cũng theo ĐB Tạ Thị Yên, những vụ việc cháy nhà trọ thương tâm vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và quản lý nhà nước có liên quan.
“Nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn. Trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa?”, ĐB Tạ Thị Yên phát biểu.
Các đại biểu dự thảo luận sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đáng chú ý, ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ cân nhắc, có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa, từ đó, góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, kích cầu các hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa, tăng tính cạnh tranh so với các tour du lịch nước ngoài.
Do vậy, ĐB đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này như: có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước, thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan, giảm giá trong dịch vụ hàng không; tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay cũng như cần tăng năng lực điều hành, vận hành khai thác tại các cảng hàng không.
Cần có thông tư hướng dẫn chi tiết về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chỉ rõ một tồn tại, hạn chế nhưng chưa có giải pháp quyết liệt. Đó là tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết những khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Các đại biểu dự thảo luận sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, quy định này là chưa đủ. Do đó, đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ.
ĐB đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thông tư này cần hướng dẫn cụ thể đồng thời cần sâu sát với tâm tư, những bức xúc của cán bộ, có như vậy cán bộ, công chức mới an tâm ban hành các quyết định hành chính.