Đại biểu Quốc hội đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19

(ĐTTCO) - Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận về nội dung huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị Quốc hội quy định rõ trong nghị quyết giám sát về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch Covid-19 để quản lý, sở hữu, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) và một số ĐB đề nghị Chính phủ công bố tình trạng hết dịch Covid-19 vì đã đủ điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, từ giữa năm 2022, ông từng đề xuất Việt Nam nên xem xét công bố hết Covid-19, coi đây là dịch bệnh truyền nhiễm thông thường và chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch. Lý do Việt Nam có thể công bố hết dịch vì hiện nay, tỷ lệ bệnh nặng hầu như không còn. Đây là điều quan trọng nhất quyết định việc chuyển trạng thái phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao trên diện rộng. Cùng với đó, tình hình Covid-19 trên thế giới đã ổn định, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Đây là 3 điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sang nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong) và công bố hết dịch bệnh. Khi Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi đây là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.

Người nhiễm Covid-19 có thể tìm đến các chuyên khoa để khám, điều trị. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ cho người dân tự chi trả.

Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ, trải qua 3 năm chống dịch, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Đại dịch Covid-19 đi qua cho thấy có những người trong dịch bệnh đã cố gắng phấn đấu hơn 100% sức lực, nhưng sau đó lại xảy ra những chuyện vô cùng đáng tiếc.

Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị cả vật chất, văn bản pháp luật, quy trình, hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng Covid-19 bùng phát trở lại.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cũng đề xuất Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc sử dụng các nguồn lực vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch trước đây, nhằm giúp các bệnh viện đủ khả năng duy trì điều trị khám chữa bệnh thông thường; giao các bệnh viện, địa phương tự quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những trang thiết bị đã được mua sắm rất nhiều tiền.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thảo luận tại hội trường sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thảo luận tại hội trường sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ĐB đồng tình với quan điểm, tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc, song cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai sai phạm nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch, vì lợi ích của cộng đồng.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Việt Nam ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19, vì đã là quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này; cần tìm mua loại vaccine tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân.

Theo ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam), nếu áp dụng chính sách pháp luật trong thời bình để giải quyết, đánh giá những quyết định trong “thời chiến” sẽ không công bằng. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hướng dẫn giải quyết những tồn tại.

ĐB đề nghị giao quyền cho HĐND các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để quyết định giải quyết những vấn đề như thanh toán, quyết toán những vấn đề chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch; thanh toán tiền ăn nghỉ cho nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tự nguyện; giải quyết dứt điểm những chế độ, chính sách liên quan đến lực lượng tham gia phòng chống dịch tại cơ sở..

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cũng cho rằng, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, các cơ sở y tế phải huy động tăng cường tất cả công chức, viên chức ngành y đều phải trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, không phân biệt đối tượng đang hưởng phụ cấp nghề 30% hay 40%. Nhưng khi có chính sách hỗ trợ lại có sự phân biệt về đối tượng thụ hưởng, chưa đảm bảo công bằng.

Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ xem xét chính sách bảo đảm công bằng cho các đối tượng đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Các tin khác