Đại biểu Quốc hội: 'Nhiều doanh nghiệp không chịu lớn'

(ĐTTCO) - Theo Đại biểu Quốc hội Đinh Minh Ngọc, vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công, đó là tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp không đạt mục tiêu cả về chất lượng lẫn số lượng. 

Ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Đầu tư công dẫn dắt chưa đúng, chưa đủ

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Đinh Minh Ngọc (Cà Mau) nêu rõ, dự kiến đến năm 2023, nước ta sẽ hoàn thành 5.000km đường cao tốc và nhiều dự án trọng điểm là kết quả đáng tự hào. Cùng với đó là thể chế cho đầu tư công nhất là về phân cấp, phân quyền dần được hoàn thiện. Những cơ chế này là tiền đề để đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn sau.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu Quốc hội TPHCM dự phiên thảo luận sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu Quốc hội TPHCM dự phiên thảo luận sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Dù vậy theo ĐB, vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công, đó là tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp không đạt mục tiêu cả về chất lượng lẫn số lượng. Trong đó, về số lượng doanh nghiệp chỉ đạt 60% so với mục tiêu. Trong khi chất lượng như chuyên gia kinh tế từng nói, doanh nghiệp Việt Nam chịu khó, chịu khổ nhưng không chịu lớn.

Cũng theo ĐB, những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân từ bên trong lẫn bên ngoài nhưng trong đó có nguyên nhân từ đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt chưa đúng, chưa đủ.

ĐB Đinh Minh Ngọc (Cà Mau)

ĐB Đinh Minh Ngọc (Cà Mau)

Để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, ĐB Đinh Ngọc Minh đề nghị, tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến đầu chung của nền kinh tế như: sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn, tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia. ĐB cũng đề nghị xây dựng ban hành nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cần có giải pháp để đột phá

ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu quan điểm, thành phần kinh tế nhà nước cần phải là nhà đầu tư chính cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Vì vậy, ĐB đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.

ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025. Tuy nhiên ngay trong thời điểm này, ĐB nhận thấy có một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác. Đó là hai tuyến đường sắt Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép - Cái Lân (Quảng Ninh) giao nhau tại ga Kép, Bắc Giang.

Đây là hai tuyến có khổ 1,43m duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc cách đầu mối trung tâm vận tải của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh chưa đến 1.200km đồng thời ở phía Việt Nam tuyến được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn.

Vì vậy, ĐB Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này…

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

Về vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, thời gian qua vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà ngân sách Trung ương được hưởng, liên tục đà suy giảm, đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương.

Về bội chi, ĐB Trần Văn Lâm đề nghị, Chính phủ lưu ý vấn đề vốn đầu tư không thể giải ngân nên không thể thực hiện vay, nhất là nguồn vốn ODA, làm giảm bội chi, từ đó quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính đảm bảo hiệu quả thời gian tới.

Đề cập về sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô, ĐB cho rằng, nhiều biện pháp còn mang tính tình thế, ứng phó mà chưa phải là biện pháp căn cơ, bền vững, vì vậy, khi tình hình dịch bệnh đã qua, cần phải thay đổi cho phù hợp.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) bày tỏ một số băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thuế giá trị gia tăng (VAT) mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu...

Từ đó ĐB đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.

Các tin khác