Nhà ga S6 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
ĐB NGUYỄN VÂN CHI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Sớm ban hành nghị định hướng dẫn
Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, quy định HĐND TPHCM hướng dẫn áp dụng về thuế, Chính phủ cũng phải ban hành một nghị định để cụ thể hóa các nội dung liên quan đến đầu tư công tư kết hợp, thời hạn thanh toán, lãi suất cũng như vấn đề về giảm phát thải, chuyển đổi tín chỉ carbon... Hiện nay, dự thảo nghị định chưa làm rõ, nhất là những nội dung được giao cho HĐND TPHCM hướng dẫn, trong đó có phần ưu đãi từ ngân sách Nhà nước cũng như quy định về miễn, giảm thuế.
Cho nên, nếu không thể ban hành sớm nghị định hướng dẫn thi hành thì nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, thay vì ngày 1-7-2023.
ĐB NGUYỄN CHU HỒI - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng: TPHCM phải căng sức chuẩn bị
Qua tờ trình, thẩm tra và ý kiến thảo luận tại các tổ ĐBQH, tôi cảm nhận các ý kiến đã khá đồng thuận với dự thảo nghị quyết. Tôi cho rằng nếu mạnh dạn phân cấp thì TPHCM có thể quyết định rất nhiều việc nhanh chóng hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, nguồn lực. Quan điểm này, tôi nhận thấy Thủ tướng cũng rất ủng hộ, nhưng vấn đề là có xướng phải có họa, tức là cấp dưới phải dám quyết.
Vấn đề bây giờ là khi được trao cho cơ chế đặc thù rồi thì việc tổ chức thực hiện sẽ đặt ra nhiều thách thức cần lường trước, có giải pháp. TP Hải Phòng cũng vậy, đề xuất 5 cơ chế, được trao 4, nhưng quá trình triển khai cũng không đơn giản. Bây giờ là lúc TPHCM phải căng sức giải quyết nhiều vấn đề cũ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận hành thông suốt, hiệu quả các chính sách mới, nhất là phải có sự chuẩn bị, chuyển động đồng bộ của các ngành, các cấp.
ĐB PHẠM THÚY CHINH - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nghị định hướng dẫn phải đủ rõ
Tôi đồng tình với việc ban hành cơ chế, chính sách cho TPHCM với mong muốn cơ chế phải thật sự đột phá, chính sách phải vượt trội. Cá nhân tôi kỳ vọng TPHCM không chỉ là đầu tàu kinh tế, mà còn phải là trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Dự thảo lần này có một chính sách rất mới so với Nghị quyết 54, đó là chính sách về Công ty Đầu tư tài chính TPHCM (HFIC), nhằm tạo nguồn lực cho TPHCM, đặc biệt là trong những ngành mà TPHCM định hướng phát triển và ưu tiên phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, quy định như dự thảo và đặc biệt là với hướng dẫn như dự thảo nghị định kèm theo thì mô hình tổ chức bộ máy của HFIC chưa được xác định rõ ràng. Nếu như nghị định hướng dẫn chưa đủ rõ, thì nghị quyết còn lâu mới đi vào thực tiễn được.
ĐB TRÌNH LAM SINH - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Cần để kéo dài thời gian thí điểm
Thực hiện cơ chế mới này sẽ là cơ hội để TPHCM thu hút “đại bàng” và tạo điều kiện cho các tỉnh trong vùng như An Giang thu hút những nhà đầu tư “bồ câu”, chia sẻ, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế. Tới đây, tôi cho rằng cần xác định TPHCM có điều kiện để phát triển trở thành một trung tâm tài chính và thương mại dịch vụ. Điều này cần thiết kế những chính sách thực sự đặc biệt để hướng tới mục tiêu đó.
Cũng theo hướng này, tôi đề nghị định hướng cho TPHCM thực hiện thật tốt mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, nhằm huy động được nguồn lực tài chính dồi dào ở trong dân, trong doanh nghiệp. Ngoài ra, với nhiều chính sách nhưng thời hạn áp dụng 5 năm là quá ngắn, chưa đủ để thấy rõ hiệu quả. Tôi đề xuất cho phép TPHCM áp dụng thí điểm trong 7-10 năm.
ĐB NGUYỄN HẢI ANH - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Chú trọng đúng mức các đối tượng yếu thế
Tôi đề nghị bổ sung một nội dung trong nghị quyết để thể hiện rõ trách nhiệm của TPHCM đảm bảo thực hiện công tác an sinh xã hội, đặc biệt là với những đối tượng dễ bị tổn thương. Chẳng hạn như việc xây dựng cơ sở, các thiết chế để phục vụ cho người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, khuyết tật...
Với dự thảo thảo nghị quyết, đối tượng hưởng thụ trực tiếp và rõ nét nhất là những người đang làm công ăn lương. Những người đang mưu sinh hàng ngày trên đường phố, người không có điều kiện để có việc làm chính thức thì dường như chưa thấy bóng dáng rõ nét.
Hầu hết ý kiến đồng tình về nghị quyết mới
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến các ĐBQH.
Cụ thể, có 128 ý kiến thảo luận về vấn đề này tại 19 tổ ĐB, với 115 ý kiến tán thành việc cho thực hiện thí điểm để phát triển TPHCM và nhất trí thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, để xây dựng Luật Đô thị đặc biệt hoặc Luật về phát triển TPHCM với các chính sách đặc thù, xứng đáng với vị thế, vai trò, ý nghĩa của thành phố mang tên Bác. Chỉ duy nhất 1 ý kiến đề nghị không ban hành nghị quyết mới và cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 54.