Đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) căn cứ vào đâu và yêu cầu nào mà tháng 7-2021, Tổng TTCP thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết luận thanh tra của đoàn thanh tra vào năm 2020. Vụ việc liên quan đến dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng có nhiều dấu hiệu vi phạm và cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt bị can, trong đó có một số cán bộ của TTCP về tội nhận hối lộ.
ĐB chất vấn việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả của đoàn thanh tra có đúng luật không? Với vai trò kép vừa là thủ trưởng cơ quan thanh tra và vừa là người đứng đầu cơ quan nhà nước thì Tổng TTCP chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?
Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời chất vấn, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, thực chất ở đây là việc rà soát, bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra chứ không phải thanh tra lại. Sau khi TTCP ban hành Kết luận số 929 ngày 12-6-2020 về thanh tra công tác quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh và Văn phòng luật sư Phan Trung Hoài (là đơn vị được Công ty Sài Gòn Đại Ninh ủy quyền hỗ trợ tư pháp) có nhiều lần gửi đơn đề nghị xem xét lại việc thu hồi dự án Đại Ninh, đề nghị cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được tiếp tục thực hiện dự án và bắt đầu ngay sau khi thực hiện kết luận từ tháng 6-2020.
TTCP nhận được 4 văn bản của Văn phòng Chính phủ, trong đó có 2 văn bản chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và Văn phòng luật sư Phan Trung Hoài, 2 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực phụ trách về việc chuyển đơn và giao TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh liên quan đến dự án Đại Ninh và trả nợ doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, TTCP đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh gồm 4 thành viên và phê duyệt kế hoạch kiểm tra, xác minh của Tổ công tác. Căn cứ pháp lý của TTCP là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Thường trực đã giao nhiệm vụ này để thực hiện.
Theo Tổng TTCP, về sau này, vụ việc liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh và liên quan đến việc chuyển tiền của Ngân hàng SCB, liên quan đến một vụ án của cơ quan điều tra. Vụ việc đã xử lý theo quy định và có một số cán bộ của TTCP đã bị tạm giam và khởi tố điều tra vì liên quan đến nhận hối lộ. Tổng TTCP đã buộc thôi việc các công chức liên quan đến vụ án này, đã xử lý là khai trừ ra khỏi Đảng và thôi chức, thôi công việc. Đặc biệt là đối với Tổng TTCP chịu trách nhiệm trước quy định của Đảng, Nhà nước. Khi có chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tổng TTCP sẽ chịu trách nhiệm về việc này.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Tranh luận lại, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng ĐB hỏi việc thành lập tổ công tác có đúng luật hay không thì Tổng TTCP không trả lời đúng. Vì kết luận của thanh tra do đoàn thanh tra thực hiện theo Luật Thanh tra, còn tổ công tác là một giải pháp hành chính thành lập theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan để phục vụ cho yêu cầu hành chính, do đó không thể có thẩm quyền để thay đổi kết luận của đoàn thanh tra theo luật. Trong vụ án Đại Ninh thì tổ công tác đã thay đổi kết luận của đoàn thanh tra từ việc kết luận sai pháp luật, yêu cầu thu hồi dự án chuyển sang giãn tiến độ, điều chỉnh dự án và gia hạn cho nhà đầu tư, như vậy là trái pháp luật.
ĐB cũng muốn chất vấn Tổng TTCP chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào, là muốn nói tính tự giác của Tổng TTCP, nhưng "Tổng TTCP trả lời như thế là không đúng, trước Quốc hội, tôi đề nghị Tổng TTCP nhận trách nhiệm của mình với hậu quả của việc làm sai đó gây ra”, ĐB Lê Thanh Vân thẳng thắn.
Trả lời, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, về việc thành lập tổ công tác có đúng luật hay không, thì TTCP thực hiện đúng theo Luật Tổ chức Chính phủ và quy chế làm việc của Chính phủ. Khi tiến hành thanh tra để trước khi ban hành kết luận thanh tra, kể cả vụ việc ở Lâm Đồng thì TTCP dự thảo kết luận thanh tra với Thủ tướng Chính phủ và thông thường là Phó Thủ tướng tổ chức họp với các bộ, ngành thống nhất, cho ý kiến đồng ý để ban hành kết luận thanh tra, sau đó TTCP mới ban hành.
Cho nên việc rà soát này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã báo cáo kết quả rà soát và được sự đồng ý của Chính phủ và Phó Thủ tướng trực tiếp cho điều chỉnh, nên TTCP tiến hành, “tôi muốn nói việc thành lập đúng theo luật như thế”.
Về trách nhiệm của Tổng TTCP, theo Tổng TTCP, việc thành lập tổ công tác để rà soát Dự án Đại Ninh do một Phó Tổng TTCP ký, Phó Tổng TTCP cũng là người ký quyết định lần đầu tiên và sau này ký sửa đổi về điều chỉnh Dự án Đại Ninh. Tổng TTCP chỉ cho chủ trương để thực hiện theo quy định của pháp luật và thực hiện theo phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm. Tuy nhiên, bản thân Tổng TTCP cũng xác định có trách nhiệm để xảy ra những vụ việc như thế đối với cán bộ với vai trò người đứng đầu.
“Việc này hiện nay các cơ quan chức năng đang xem xét và chưa kết thúc, khi kết thúc sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu theo chỉ đạo của các cơ quan Đảng và Chính phủ. Riêng nội bộ, chúng tôi đã xem xét trách nhiệm của người trực tiếp xảy ra khi cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra. Chúng tôi đã làm ngay theo quy định của Đảng và Nhà nước, còn lại là chờ cơ quan chức năng”, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong nêu.
Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cũng đề nghị trao đổi, làm việc hoặc trả lời trực tiếp bằng văn bản cho ĐB để thấu đáo hơn vì trên diễn đàn thời gian có hạn.