Với số người chết liên tiếp tăng lên và những biện pháp hạn chế không báo ngày kết thúc, nền kinh tế EU liên tiếp bị rúng động. Không ai có thể khẳng định đống đổ nát từ đại dịch sẽ lớn đến mức nào. Người ta chỉ biết nó sẽ rất lớn.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã công bố gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu ước tính rằng với mỗi tháng đóng cửa, kinh tế châu Âu hàng năm sẽ bị giảm 3%. Tuần trước, khối này đã yêu cầu các nhà lãnh đạo là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt đầu phác thảo một kế hoạch chi tiết để tái thiết với những đầu tư chưa từng có.
Tuy nhiên, trên tất cả, số phận của Italy là điều khiến châu Âu đang loay hoay.
Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu đang là nạn nhân lớn nhất của Covid-19 trong khu vực và thứ 2 trên toàn cầu chỉ sau Mỹ. Về tài chính, Italy cũng có triển vọng yếu nhất ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát. Tình hình có thể đã tệ hơn rất nhiều vào lúc này, nhất là khi các trung tâm công nghiệp của Italy xung quanh Milan đều đã bị đóng cửa trong hơn 3 tuần qua.
Các quan chức ở Brussels, Paris và Berlin có thể đang nói về việc tái thiết kinh tế châu Âu sau đại dịch. Tuy nhiên, câu hỏi khó hơn mà họ cần phải giải là khối này sẽ làm gì với Italy.
Rome đã dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu để củng cố tài chính và các ước tính bảo thủ cho thấy nợ của họ sẽ là hơn 150% GDP vào thời điểm dịch bệnh bùng phát. Việc tái thiết sẽ cần hàng tỷ USD, vốn đã không thể huy động được từ bất cứ nguồn tài trợ chính thống nào. EU là cánh cửa duy nhất của Italy.
Cuộc thảo luận về kế hoạch phục hồi vẫn còn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, chúng đã trở nên rất gay gắt và không thể đi đến kết luận về mức độ khó khăn cũng như tạo ra một kế hoạch hành động mà các quốc gia có thể đồng thuận.
Các quan chức và những bậc thầy chính trị của họ đang vật lộn với một câu hỏi hóc búa kép. Một mặt, bản chất của đại dịch nghĩa là tất cả các nước EU đều bị tấn công mà không nước nào bị phân biệt đối xử hay không có ai để đổ lỗi. Tất cả họ sẽ phải chịu một cuộc suy thoái nghiêm trọng, thất nghiệp cao hơn, các ngành công nghiệp bị tê liệt và nợ cũng tăng phi mã.
Đó là lý do tại sao châu Âu đưa ra phản ứng mang tính quyết định: Các quy tắc thâm hụt của EU bị đình chỉ, Đức tung ra gói kích thích lớn và ECB triển khai 750 tỷ euro để mua trái phiếu để ổn định thị trường.
Tuy nhiên, có những mối quan ngại dai dẳng về hỗ trợ triển vọng dài hạn.
Mario Centeno, bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha, chủ trì các cuộc họp với đồng nghiệp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU), đã ám chỉ vấn đề nan giải này trong lời mời thảo luận trực tuyến hôm 31/3. Cách châu Âu đối phó với khủng hoảng tài chính do virus để lại sẽ quyết định hình dạng và mức độ phục hồi cũng như mức độ gắn kết của khu vực đồng euro.
Tháng trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi một chương trình đầu tư công chung cho EU, trong đó huy động nguồn lực kinh tế và nguyên vật liệu lớn nhất trong lịch sử. Ông Sanchez cũng ủy hộ hỗ trợ mạnh mẽ cho nợ chung dưới hình thức được gọi là trái phiếu corona, điều được các nhà lãnh đạo 8 nước EU khác, bao gồm cả Pháp và Italy, ủng hộ.
Một công cụ như vậy sẽ giảm bớt áp lực đối vác các nước mắc nợ cao như Italy và ở mức độ thấp hơn như Tây Ban Nha và Pháp. Nó sẽ làm giảm rủi ro khi họ có được tiền huy động từ thị trường sau khi vay mượn để chống lại đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, người Đức và Hà Lan lại tỏ ra cảnh giác với những khoản chi và vay mượn họ không thể kiểm soát. Thay vào đó, họ tranh luận về việc sử dụng quỹ cứu trợ của khu vực đồng EU để phòng dịch, điều mà Italy và Tây Ban Nha phản đối. Đằng sau đó là một cuộc xung đột lớn về các quy định tài khóa không hiệu quả của EU đã khiến một trong 2 nước này chìm trong nợ dai dẳng suốt cả thập kỷ qua.
Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các bên, Pháp đã đề xuất thành lập một quỹ phục hồi kinh tế tạm thời, hoạt động trong 5-10 năm, để hỗ trợ các nước vượt qua hậu quả của đại dịch. Những nước khác đề xuất sử dụng ngân sách dài hạn của EU, công cụ chính trong việc chuyển giao tài khóa trực tiếp từ những nước giàu sang những nước nghèo, dự kiến sẽ được đàm phán lại trong năm nay.
Tuy nhiên, với mức trần đâu đó 1% GDP trong suốt quá trình 7 năm, với hầu hết số tiền được chuyển cho nông dân và các dự án cơ sở hạ tầng, ngân sách EU không đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đưa ra ý tưởng về một ngân sách đặc biệt lớn trong 1 hoặc 2 năm tới. Đối với người Đức và Hà Lan, đó có thể là cách hợp lý hơn để phân bổ lại chi phí tái thiết.