Phong trào đại gia đi bán cà phê
Hôm 7-6, Kido của anh em doanh nhân Trần Lệ Nguyên chính thức ra mắt một mảnh ghép mới trong hệ sinh thái kinh doanh của mình, đó là thương hiệu Chuk Chuk - hoạt động chính trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống). Chuk Chuk sẽ tham gia vào thị trường chuỗi cà phê, trà sữa và là “tay chơi” mới nhất trên thị trường được đánh giá là miếng bánh tỷ USD này.
Cụ thể, chuỗi Chuk Chuk sẽ kinh doanh cà phê, trà sữa và kem - một sản phẩm mà Kido đang dẫn đầu thị trường hiện nay. CEO thương hiệu Chuk Chuk chính là con gái 25 tuổi của ông Trần Lệ Nguyên, bà Trần Tuyết Vân. Cô chia sẻ muốn xây dựng chuỗi cà phê dựa trên giá trị truyền thống, có thêm sự sáng tạo và sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu cà phê ngoại đang có mặt tại Việt Nam.
Chủ tịch Kido Trần Lệ Nguyên tham vọng Chuk Chuk sẽ trở thành chuỗi cà phê có độ phủ rộng. Ngay giữa lúc dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp tại TPHCM, ông dự định từ cửa hàng khai trương đầu tiên trong tháng 6, mục tiêu đến cuối năm nay, sẽ có 58 điểm bán với doanh thu 141 tỷ đồng.
Cũng như Kido, một loạt doanh nghiệp "đại gia" đã nhanh chân nhảy chuỗi cà phê. Nửa tháng trước, một công ty con của tập đoàn Masan đã chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà và cà phê Phúc Long.
Phúc Long hiện có 82 cửa hàng trên cả nước, và là thương hiệu rất được lòng giới trẻ. Và Masan đã quyết “chơi lớn” với thương vụ này, đưa F&B trở thành một phần cho chiến lược “Point of Life” mà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và các lãnh đạo Masan liên tục đề cập gần đây.
Một doanh nghiệp lớn khác đã âm thầm tham gia thị trường này từ năm 2020, là Nova của doanh nhân Bùi Thành Nhơn. Mới đây, Nova đưa Nova Consumer - hoạt động trong mảng thực phẩm, đồ uống, dinh dưỡng trở thành một thành viên mới của tập đoàn.
“Chúng tôi có quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng. Mấy năm qua, nhiều thương vụ M&A đã được ký kết, Nova đã đầu tư hơn 200 triệu USD, và sẽ còn tiếp tục đầu tư nhiều hơn thế nữa để quy tụ nhiều thương hiệu”, CEO Nova Consumer Tôn Thất Đề khẳng định.
Hiện danh mục các thương hiệu chuỗi cà phê đang được Nova quản lý có Saigon Casa, cà phê Phin Deli, Gloria Jean’s Coffees; Mojo Coffee, Cà phê Cô Ba…
Trong ngành F&B, mô hình chuỗi cà phê rất được quan tâm. Euromonitor dự báo tốc độ tăng trưởng chuỗi cà phê tại Việt Nam đang ở mức 1 tỷ USD mỗi năm. Do đó, ngày càng nhiều đại gia muốn lấn sân vào thị trường này.
Đáng chú ý, thống kê của Euromonitor và BMI Research cũng cho thấy năm 2020, doanh thu toàn thị trường F&B đạt khoảng 30 tỷ USD. Các tháng đầu năm 2021, trong khi các ngành hàng khác tăng trưởng âm, thì ngành F&B lại phục hồi khá nhanh, tăng đến 9%.
Ki-ốt và xe đẩy: Ứng biến mới khi đại gia gia nhập làng cà phê
Bước chân vào “cuộc chiến” chuỗi cà phê trong thời điểm Covid-19 vẫn còn đang rất phức tạp, các đại gia dường như có phần thận trọng hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định đã có kế hoạch xây dựng chuỗi cà phê từ khá lâu, mô hình kinh doanh cũng thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng so với trước đây.
Ngay năm nay, tân binh này đặt mục tiêu phát triển hệ thống cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bao phủ khắp TPHCM. Tham vọng đến năm 2025, có tổng cộng 1.000 điểm bán, trong đó, ki-ốt và xe đẩy sẽ giữ vai trò chủ đạo cho chiến lược này.
Còn “ông lớn” hàng tiêu dùng bán lẻ Masan cũng quyết định đưa thương hiệu Phúc Long vào hệ thống cửa hàng VinMart+ dưới dạng ki-ốt. Trước mắt, Masan đã thử nghiệm ở một số cửa hàng tại TPHCM và tham vọng phủ khắp hệ thống cửa hàng VinMart+ trên cả nước.
Cần lưu ý thêm, Vincommerce đang là chuỗi bán lẻ có nhiều điểm bán nhất trên cả nước, tận dụng hệ thống này, bước đi của Masan có phần ưu thế hơn so với các đối thủ khác.
Ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Vincommerce, khẳng định Masan muốn có 1.000 ki-ốt bán trà và cà phê Phúc Long sau một năm gia nhập thị trường. Đến năm 2025, với mô hình “Point of Life”, chuỗi thực phẩm và đồ uống sẽ đóng góp 500 triệu USD vào doanh thu The CrownX (doanh nghiệp đang quản lý Vincommerce và Masan Consumer).
Trải qua 2 đợt sóng Covid-19 vào năm ngoái, chuỗi cà phê Highlands Coffee, vốn đặt tại các góc đường có vị trí đẹp, trung tâm thương mại sang chảnh, cũng quyết định “xuống đường” với chiếc xe đẩy thô sơ chỉ 1-2 nhân viên vừa pha chế, vừa tiếp thị theo hình thức bán cà phê mang đi. Từ vài xe đẩy đầu tiên, Highlands Coffee nhân rộng mô hình, đến nay đã xuất hiện ở nhiều vỉa hè tại quận 1, quận 3 - TPHCM.
King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng nối gót “xuống đường” bằng xe đẩy đặt gần các tòa nhà văn phòng. Trước đó, các thương hiệu Guta, Passio đã định vị với những ki-ốt nhỏ khắp nơi để phục vụ khách mang đi.
Một chuyên gia trong lĩnh vực F&B nhận định, khách hàng có nhu cầu trải nghiệm không gian cà phê đang hẹp đi, việc “xuống đường” khiến các đại gia có thêm khách hàng mới. Không tốn nhiều chi phí mặt bằng, nhân viên, bàn ghế... và giá thành nước uống nhờ đó giảm đi, phù hợp nhiều đối tượng.
JLL Việt Nam cũng xác nhận nhiều chuỗi lớn trong ngành F&B hiện nay đang tìm đến mô hình ki-ốt và xe lưu động, như một cách để thử nghiệm bán các món mang đi mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng. Đây là phương án ngắn hạn để các đơn vị F&B thử nghiệm ở những thị trường mới, cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng.