Việt Nam được đánh giá là nước với trên 70% là nông nghiệp, ngành nông nghiệp vốn được xem là ngành kém hấp dẫn vì tỷ suất lợi nhuận thấp, mà rủi ro cao, một câu nói luôn hiện hữu với nông dân: “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” do thiếu quy hoạch và tầm nhìn dài hạn. Vậy vì sao thời gian gần đây các đại gia lại đầu tư vào nông nghiệp?
Kỷ lục mới, nỗi lo cũ
Nhìn lại năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt được con số khá ấn tượng với 30,8 tỷ USD. Đáng chú ý có 10 mặt hàng nông sản lọt vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD là gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Song song đó, một số ngành hàng khác vẫn giữ được “phong độ” xuất khẩu như: thủy sản đạt 7,92 tỷ USD, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 6,54 tỷ USD, cà phê 3,6 tỷ USD, hạt điều 2 tỷ USD; đã xuất hiện nhiều "hiện tượng của năm" khi một số mặt hàng như rau, quả 1,47 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD. Bước sang năm 2015, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 3 đến 3,3%; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi nói về câu chuyện chung của ngành nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh nông nghiệp của chúng ta còn nhiều hạn chế.
DN là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị và hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay: Có nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả; nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế; có tiềm lực ứng dụng KHCN, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản. Ông Cao Đức Phát, |
Thực ra không chỉ riêng GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học cả đời gắn bó với nền nông nghiệp mới nhìn ra điều này mà thực tế đã chứng minh những hạn chế của ngành nông nghiệp. Chẳng hạn, số DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện nay chỉ khoảng 3.500 DN, chiếm khoảng 1,6% trong tổng số DN cả nước và phần lớn các DN này là DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ.
Đáng quan tâm hơn là thu hút FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam hiện còn rất thấp, chỉ 3,4% trong tổng số vốn FDI vào nền kinh tế, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Đáng buồn hơn, theo kết quả khảo sát của JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) đối với khoảng 10.000 DN Nhật hoạt động tại 19 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2014 cho thấy, Việt Nam bị đánh giá ở vị trí 18/19 về độ hấp dẫn của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam nhưng người nông dân vẫn thấp thỏm với nỗi lo chưa bao giờ cũ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. DN thì “kêu gào” chính sách hỗ trợ như thuế và đất đai đang là những rào cản khiến họ chưa mặn mà với nông nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận trong ngành nông nghiệp cũng luôn bị đánh giá thấp so với nhiều ngành nghề khác. Xuất khẩu nhiều, kim ngạch ấn tượng nhưng thương hiệu luôn là bài toán nhức nhối cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Quá nhiều điều phải bàn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, song thời gian gần đây việc một số DN lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận: Vì sao các “đại gia” lại chọn nông nghiệp? Đây liệu có là một trào lưu hay không?
Thành công khi đầu tư trọn gói
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với GS.TS Võ Tòng Xuân, về câu chuyện của một số DN có tên tuổi đầu tư vào ngành nông nghiệp hiện nay, ông chia sẻ họ mới chỉ đầu tư vào một phần rất nhỏ của nông nghiệp, nhiều DN còn đặt nặng lợi nhuận trong khi nông nghiệp cần một sự nghiên cứu, đầu tư bài bản và trong vài năm đầu khó nói đến lợi nhuận.
“Việc tuyên bố của ông Đoàn Nguyên Đức “không có ngành nào lời như nuôi bò”, có lẽ ông Đức đã quá lạc quan. Hay việc đầu tư cây mắc ca, một loại cây đang được gắn với cái tên rất hào nhoáng cây tỷ USD, nói thì hấp dẫn nhưng quy hoạch, kỹ thuật, đầu ra… sẽ như thế nào” - GS.TS Võ Tòng Xuân băn khoăn.
Tất nhiên những băn khoăn của một người gắn bó cả cuộc đời với nông nghiệp như GS.TS Võ Tòng Xuân không phải không có cơ sở. Song nhiều ý kiến lại nhận định rằng các DN lớn không dễ “vứt tiền qua cửa sổ”, họ cũng không đầu tư theo phong trào. Và đương nhiên đồng tiền khi được đầu tư sẽ phải hướng đến đích lợi nhuận. Nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi của các đại gia. Họ đang tung tiền để thực hiện những quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Một thí dụ như VinEco (thương hiệu mới của Tập đoàn Vingroup gia nhập lĩnh vực nông nghiệp) sẽ triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Để đảm bảo chất lượng, VinEco quy hoạch các vùng sản xuất theo mô hình tập trung và khép kín.
Các sản phẩm nông sản chất lượng cao sẽ được phân phối tại hệ thống siêu thị Vinmart. |
Các khâu từ nghiên cứu, công nghệ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, vận chuyển… sẽ được thực hiện theo quy trình khoa học, tuân thủ các tiêu chí về chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Dự kiến, công ty này sẽ làm việc với các đối tác từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp.
Về đầu ra, theo Vingroup, nông sản của VinEco sẽ đi theo hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Sự tham gia bài bản của các ông lớn sẽ làm thay đổi suy nghĩ nhiều DN ngành nông nghiệp cũng như những thương lái thu gom manh mún.