Đại lý bán bảo hiểm sai phạm, người mua có được bồi thường?

(ĐTTCO) - Theo kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ của Bộ Tài chính, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm.
Đại lý bán bảo hiểm sai phạm, người mua có được bồi thường?

Bộ sẽ xem xét xử phạt hành chính tạo sự răn đe đối với các DN đang hoạt động trên thị trường. Thế nhưng như vậy liệu đã đủ?

Khách bị ép, hợp đồng bị hủy, tiền vào túi DN

Mới đây, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra 4 DN bảo hiểm nhân thọ (BHNT) qua ngân hàng (NH) để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch NH gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife. Kết quả thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các NH có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên NH, nhân viên môi giới.

Một số hành vi vi phạm điển hình như không tư vấn trực tiếp cho khách hàng; không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của DN; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên NH) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Theo kết quả thanh tra, tại nhiều DN bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm qua NH chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí BHNT mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ hủy hợp đồng của khách hàng lên tới 70%.

Cụ thể, tại Prudential 41% khách hủy hợp đồng sau 1 năm mua, MB Ageas 32%, BIDV Metlife hơn 39%, Sunlife phát hành qua TPB 73%. Khách hàng hủy hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn tỷ đồng rơi vào túi các DN BHNT, cũng như các NH phân phối sản phẩm.

Thực tế, đã có rất nhiều phản ánh của người dân về việc vay tiền ở NH bị ép mua BHNT, thậm chí gửi tiền lại hóa thành mua hợp đồng bảo hiểm. Tại sao các nhân viên NH lại tích cực, bất chấp thủ đoạn để ép người vay tiền mua bảo hiểm?

Trong lần trao đổi với ĐTTC cách đây chưa lâu, Luật gia Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng các NH khi thu xếp hợp đồng bán bảo hiểm thường độc quyền cho một công ty bảo hiểm. Để đạt được hợp đồng độc quyền đó, công ty bảo hiểm phải đưa khoản tiền lớn cho NH, gọi là phí trả trước. Số tiền này sẽ được giải ngân theo doanh số đạt được của NH.

“Bên cạnh hoa hồng cao, khoản chi phí trả trước cho việc độc quyền ấy chính là món tiền hấp dẫn đối với NH nên họ phải bán bằng mọi giá. Như vậy nguồn gốc của vấn đề chính là những khoản trả trước khổng lồ cho NH” - Luật gia Nguyên Đán nhấn mạnh.

Một số ý kiến còn cho rằng doanh thu từ BHNT là “mỏ vàng” đối với các NH. Trong giai đoạn phát triển hoàng kim của BHNT ở những năm 2019, 2020, 2021, doanh thu từ mảng bảo hiểm của nhiều NH cũng tăng trưởng mạnh.

Nhiều câu hỏi cần được trả lời

Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các DN đang hoạt động trên thị trường. Thế nhưng, nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh những sai phạm này của các DN BHNT và NH tham gia phân phối sản phẩm.

Thứ nhất, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên cao, lại thêm nhiều khách hàng tố cáo bị ép mua BHNT khi vay tiền NH, phải chăng các cơ quan chức năng như Bộ Công an cần vào cuộc để xem có hành vì lừa dối khách hàng của DN BHNT cũng như NH, chứ không đơn thuần là sai phạm ở khâu tư vấn. Liệu khách hàng bị ép mua có cơ hội nhận lại phần tiền của mình hay không cũng đang rất được quan tâm.

Thứ hai, kênh bán bảo hiểm qua NH có nhiều sai phạm như vậy, siết như thế nào? NH liệu có thể bị cấm bán bảo hiểm trong trường hợp tỷ lệ hủy hợp đồng quá cao, hay phải có chế tài nào đó để việc bán BHNT tại NH không rơi vào vòng xoáy ép khách? Liệu có nên xóa những hợp đồng độc quyền giữa NH và DN BHNT?…

Thực tế bán bảo hiểm qua NH cũng chỉ là một kênh bán hàng của công ty bảo hiểm được gọi là kênh tổ chức đại lý. Song khi chia sẻ về việc giám sát quản lý kênh bán hàng này, ông Trần Nguyên Đán lại chỉ ra vấn đề: “Bộ Tài chính không thể quản lý và giám sát hoạt động bán bảo hiểm của NH vì không có quyền. Theo quy định, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm quản lý, giám sát các kênh bán hàng của DN bảo hiểm, nhưng liệu cơ quan này có dám thanh tra các NH thuộc quyền quản lý của NHNN? Chức năng quản lý giám sát không có làm sao đảm bảo không có sai sót”.

Hiện vẫn việc ai đó làm, Bộ Tài chính thanh tra DN BHNT, còn NHNN ban hành công văn chỉ đạo tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Đồng thời, NHNN cho biết sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các nhân viên/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.

Để tăng tính liên kết, mới đây khi thông tin về việc tiếp tục thanh, kiểm tra 10 DN bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với NHNN. Kết quả của cái bắt tay này ra sao cần thêm thời gian.

Có thông tin đáng chú ý, Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư về hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý, trong đó có quy định về việc NH không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn, và trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay.

Có thể thấy sau thời gian phát triển nhanh chóng, thị trường bảo hiểm nói chung và BHNT tại Việt Nam nói riêng đang bộc lộ rất nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh. Các công ty cần dừng lại cuộc đua phát triển theo chiều ngang, đua về thị phần để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý cần nhiều chế tài mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thị trường bảo hiểm đúng nghĩa.

Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, và tạo sự răn đe đối với các DNBH sai phạm. Nhưng liệu khách hàng bị ép mua có cơ hội nhận lại phần tiền của mình hay không?

Các tin khác