Đại tu cầu Sài Gòn: Phân luồng hợp lý tránh ách tắc

Từ ngày 12-5-2011 cầu Sài Gòn phải đại tu, do sau nhiều năm xây dựng các hạng mục đã xuống cấp. Việc sửa chữa cầu lần này rất phức tạp, thời gian thi công trong mùa mưa sẽ khiến đơn vị thi công gặp không ít trở ngại. Liệu việc đại tu cầu có gây ách tắc giao thông ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM hay không? ĐTTC đã gặp ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị Số 2 (Sở GT-VT TPHCM) để tìm hiểu về vấn đề này.

Từ ngày 12-5-2011 cầu Sài Gòn phải đại tu, do sau nhiều năm xây dựng các hạng mục đã xuống cấp. Việc sửa chữa cầu lần này rất phức tạp, thời gian thi công trong mùa mưa sẽ khiến đơn vị thi công gặp không ít trở ngại. Liệu việc đại tu cầu có gây ách tắc giao thông ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM hay không? ĐTTC đã gặp ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị Số 2 (Sở GT-VT TPHCM) để tìm hiểu về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Ông cho biết về tình trạng xuống cấp của cầu Sài Gòn hiện nay và phương án sửa chữa sẽ được tiến hành như thế nào?

Ông VŨ KIẾN THIẾT: - Cầu Sài Gòn là cây cầu trọng yếu ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM để ra vào nội thành. Hiện nay đã có thêm các cầu Thủ Thiêm, Phú Mỹ và Bình Triệu (I, II) đưa vào sử dụng nên mật độ lưu thông qua cầu Sài Gòn có giảm nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải, bình quân mỗi ngày có khoảng 40.000-50.000 lượt ô tô và hàng trăm ngàn xe gắn máy lưu thông.

Cầu Sài Gòn được xây dựng cách nay hơn 50 năm, lần đại tu gần nhất cách nay đã 11 năm, hiện nhiều hạng mục xuống cấp phải đại tu với quy mô lớn để duy trì và nâng lực chịu tải. Kế hoạch đại tu cầu Sài Gòn đã được chuẩn bị từ trước năm 2010.

Ngày 12-5 Khu Quản lý giao thông đô thị Số 2 TPHCM đã cho đơn vị thi công là nhà thầu Freyssinet Việt Nam khởi công đại tu cầu Sài Gòn. Dự án có tổng mức đầu tư 64 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp chiếm 47 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công trong vòng 6 tháng, đến đầu tháng 10-2011 sẽ hoàn tất.

Khó khăn trong đại tu cầu Sài Gòn là phân luồng tránh ách tắc giao thông. (Ảnh: Internet)

Khó khăn trong đại tu cầu Sài Gòn là phân
luồng tránh ách tắc giao thông. (Ảnh: Internet)

Trụ cầu P2 đã bị lún dẫn đến hiện tượng chuyển dịch các vị trí đầu dầm, gối dầm, đe dọa khả năng chịu lực của cầu. Đơn vị thi công sẽ xử lý khoan cọc nhồi bê tông đường kính 1,2m, cắm sâu 38m để tăng cường khả năng chịu tải cho móng của trụ P2 và ổn định các vị trí gối dầm, đầu dầm.

Tiếp theo sẽ gia cố hệ thống dẫn nhịp, dầm dọc, dầm ngang bằng thép đã bị mòn, rỉ sét. Riêng bản mặt bê tông cốt thép, qua nhiều năm sử dụng đã bị rạn nứt, hư hỏng cục bộ, tuy không làm sập cầu nhưng có thể dẫn tới gãy nứt nhiều vị trí rất nguy hiểm, sẽ được phun một lớp bê tông gia cường sau khi tạo nhám ở mặt đáy, thêm một số cốt thép để tăng cường bề dày, khả năng chịu lực, chống quá trình oxy hóa.

Cách xử lý các khe co giãn cũng được chú trọng, bởi đây là những điểm nhạy cảm của cầu nhằm tạo xung kích, thoát nước. Ngoài ra, cầu Sài Gòn cần trải thảm nhựa mới để chống thấm, tạo mặt đường nhẵn mịn do hiện trạng bản mặt bê tông nhựa đã rạn nứt, bong tróc, thấm nước mỗi khi có mưa.

- 6 tháng sửa chữa cầu Sài Gòn nằm trọn trong mùa mưa, vậy có gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình?

- Việc thi công tiến hành trong mùa mưa nên sẽ gặp không ít thách thức. Tuy vậy, với công nghệ xử lý mới của Công ty Freyssinet Việt Nam, việc thi công không diễn ra ở phía trên bề mặt cầu nhiều, mà xử lý bằng cách phun vữa xi măng áp suất cao từ dưới lên, thế nên lưu thông trên cầu vẫn diễn ra bình thường.

Ngoài ra, công nghệ sản xuất bê tông nhựa có ủ nóng sẽ giúp tái lập mặt đường nhanh chóng, theo kiểu cuốn chiếu. Chúng tôi sẽ trực tiếp giám sát chặt chẽ để việc thi công luôn đảm bảo an toàn.

Theo quy định về thời hạn sửa chữa cầu Sài Gòn, cứ sau 10 năm lại phải sửa chữa lớn. Lẽ ra cuối năm 2010 đã đến hạn sửa chữa, nhưng do gặp một số khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án, chọn thầu, chờ duyệt kinh phí, nên chỉ mới sửa chữa cục bộ một số vị trí. Mặc dù năm nay gặp khó khăn tài chính, đặc biệt là tài chính công đang bị tiết giảm, song không thể chần chừ việc sửa chữa cầu Sài Gòn, nên Sở GT-CC TPHCM đã kiến nghị TP cấp một nửa kinh phí (khoảng 34 tỷ đồng) để thực hiện trước.

Trong 6 tháng thi công, xe vẫn được lưu thông qua cầu. Tuy nhiên sẽ hạn chế xe có trọng tải 25 tấn trở lên qua cầu vào những giờ cao điểm từ 6-9 giờ và 14-21 giờ. Khi thi công mặt bê tông nhựa, buộc phải hạn chế các xe tải trọng trên 1 tấn, xe trên 9 chỗ ngồi (xe buýt vẫn được ưu tiên lưu thông). Tổng thời gian cho mỗi hướng bị hạn chế giao thông là 2 tuần.

Có 3 lộ trình thay thế để các tài xế lựa chọn khi đơn vị thi công thông báo hạn chế xe lưu thông qua cầu:

Lộ trình 1: cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - đại lộ Đông Tây - Tỉnh lộ 25B - đường vành đai Đông - cầu Phú Mỹ - Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Sài Gòn và ngược lại. Lộ trình này khá xa nhưng phù hợp với xe tải lớn trên 25 tấn.

Lộ trình 2: cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - Trần Não - Lương Định Của - cầu Thủ Thiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Sài Gòn và ngược lại. Tuy nhiên, hướng đi này do đường Lương Định Của quá nhỏ nên phải hạn chế xe trên 9 chỗ và xe trên 2,5 tấn.

Lộ trình 3: cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - đại lộ Đông Tây - cầu Thủ Thiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Sài Gòn và ngược lại (đối với lộ trình này, chỉ được phép lưu thông sau khi tuyến đại lộ Đông Tây đoạn từ tỉnh lộ 25B đến đường Lương Định Của được thông xe chính thức). Ưu điểm của lộ trình 3 là rút ngắn quãng đường và thời gian so với lộ trình 1.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác