Đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống

(ĐTTCO) - Ngày 18-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Nhiều thành tựu lớn, toàn diện

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 10 năm thực hiện, đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra là 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra là 4 triệu tấn)… 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi để nông dân cơ giới hóa - mang lại nhiều hiệu quả. Ảnh: CAO PHONG

Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi để nông dân cơ giới hóa - mang lại nhiều hiệu quả. Ảnh: CAO PHONG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 10 năm thực hiện “Đề án an ninh lương thực”, nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện. Từ một nước thiếu ăn, đến nay bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng “được mùa - mất giá”; thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất và đang là “nút thắt” lớn nhất cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế…

Thủ tướng cho rằng, trong tình hình biến đổi khí hậu, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG


Vấn đề bức thiết của tương lai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Thời gian tới, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống; chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm; tăng cường khả năng dự trữ; chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, thành lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.

Thủ tướng nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng để phấn đấu đạt được. Đó là đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, góp phần chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9%-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD. 

Về lúa gạo và diện tích đất lúa, Thủ tướng cho biết, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35 - 38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối. Về thực phẩm, cần tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030 vì đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi; tăng nhanh sản lượng trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng.

Bộ NN-PTNT cũng vừa có báo cáo Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020. Theo tính toán, trong 6 tháng đầu năm, dự kiến toàn bộ sản lượng lúa vụ đông xuân cả nước đạt khoảng 20,1 triệu tấn. Trong thời gian 6 tháng cuối năm, toàn bộ sản lượng lúa vụ hè thu, lúa mùa, lúa thu đông của cả nước dự kiến là 23,4 triệu tấn. Như vậy, tổng cộng cả năm 2020, sản lượng lúa có thể đạt 43,5 triệu tấn. 

Theo kế hoạch, trong vụ thu đông năm 2020, toàn vùng ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000ha. Song, theo dự báo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), sản lượng lúa của thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu tăng 3,7 triệu tấn, dịch cúm Covid-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ. Do nhận định nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng nên Bộ NN-PTNT cho biết có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800.000ha.

Hiện TPHCM tự túc được khoảng 7,77% nhu cầu gạo; 33,3% nhu cầu rau; 13,7% nhu cầu cá tôm và 25% nhu cầu thịt. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ngoài việc tăng cường liên kết với các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung… TPHCM đã lập quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch sản xuất muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025...

Theo đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dần theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, chuyển sang các ngành dịch vụ và thủy sản. Mở rộng diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp... Đặc biệt, TPHCM đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu phát huy tác dụng trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tập trung lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; góp phần đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại.

QUÝ NGỌC

Các tin khác