Các đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM chủ trì buổi họp báo.
Đồng chí Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM tại buổi họp báo
Tại buổi họp báo, thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa từ nay đến dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm phải đảm bảo nguồn cung, lưu thông, tiếp nhận, vận hành hiệu quả các hệ thống phân phối để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân.
“Hiện ngành công thương TPHCM đang tập trung tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ kế hoạch của UBND TP đã ban hành; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định phục vụ cho người dân. Theo kế hoạch, lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng Tết Quý Mão 2023 dự kiến đáp ứng từ 25-43% nhu cầu thị trường”, ông Lê Huỳnh Minh Tú nói.
Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, ngành công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn TP, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường không để xảy ra việc đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở Công thương TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu online, kết nối cung cầu chuyên đề, mùa vụ, trong đó trọng tâm là hoạt động kết nối tập trung tổ chức từ 16-11 đến 20-11-2022; đồng thời thành phố tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng, nổi bật là đợt 2 Chương trình Shopping Season 2022 với Chủ đề Rộn ràng mua sắm mùa xuân sẽ diễn ra từ 15-11 đến 15-12-2022 và hội chợ hàng tiêu dùng cuối năm.
Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, trong tháng 10, thành phố ghi nhận 401 vụ phạm tội về trật tự xã hội đã điều tra khám phá 273/401 vụ (đạt 68.08%), bắt 393 đối tượng; xử lý 110 vụ, 110 đối tượng vi phạm về kinh tế, buôn lậu và có dấu hiệu vi phạm về chức vụ (so với liền kề giảm 2 vụ, tương ứng 1,78%); thu giữ tang vật ước tính trị giá 38,27 tỷ đồng; đã khởi tố 119 vụ án, 10 bị can; tham mưu cấp thẩm quyền ban hành 64 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 1,17 tỷ đồng.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, phát hiện, triệt phá 86 vụ, 304 đối tượng (so với liền kề giảm 37 vụ, tăng 23 đối tượng); thu giữ: 11,616 kg heroin, 8,085g cần sa, 137,318 kg ma túy tổng hợp cùng nhiều công cụ, phương tiện có liên quan. Đã khởi tố 72 vụ, 137 bị can; xử lý hành chính 14 vụ, 167 đối tượng…
Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM trả lời báo chí tại cuộc họp
Trước đó, đồng chí Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM đã sơ lược về kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng như tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TPHCM ước đạt 393.000 tỷ đồng, đạt 101,6% dự toán năm và tăng 22,33% so cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,4% so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, sản xuất trên địa bàn thành phố; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 đạt 899.000 tỷ đồng (tăng gần 30% so với cùng kỳ). GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 9,97%, tính đến thời điểm này.
“Với các điểm sáng nêu trên, dự ước GRDP Thành phố cả năm tăng trên 9% cao hơn hơn so với kịch bản tăng trưởng, vượt kế hoạch đề ra năm 2022” đồng chí Đặng Quốc Toàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội thành phố cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường tài chính, tiền tệ và đối mặt với áp lực ngày càng tăng; các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hoạt động suy giảm, cầm chừng với nhiều tác động bất lợi, tiềm ẩn rủi ro; Tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ trên địa bàn thành phố, dẫn đến ảnh hưởng quá trình sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước tính 10 tháng năm 2022 rất thấp chỉ đạt 29% (cùng kỳ đạt 33,0%); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng tăng 4,13% so với cùng kỳ, cho thấy chỉ số giá đang ở mức tăng cao, nhất là trong dịp 2 tháng cuối năm.
Về lĩnh vực y tế, công tác phòng chống dịch Covid-19 và bệnh truyền nhiễm, đồng chí Đặng Quốc Toàn cho hay, thành phố tiếp tục triển khai giám sát lưu hành biến chủng của virus SARS-CoV-2; lấy mẫu tại một số bệnh viện. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thu dung, điều trị, quản lý, chăm sóc bệnh nhân Covid-19; đẩy mạnh công tác truyền thông về sự cần thiết và hiệu quả của tiêm vaccine phòng Covid-19.
Đến nay, toàn thành phố đã tiêm hơn 23,4 triệu mũi (bao gồm hơn 8,68 triệu mũi 1; hơn 7,74 triệu mũi 2; 0,69 triệu mũi bổ sung; khoảng 4,8 triệu mũi nhắc lần 1; 1,53 triệu mũi nhắc lần 2). Số ca sốt xuất huyết nội trú và ngoại trú cộng dồn từ đầu năm đến nay là 66.517 ca.
Trong tháng 10 ghi nhận 5 trường hợp tử vong. Số ca tay chân miệng cộng dồn từ đầu năm đến nay là 16.143 ca, không có ca tử vong. Số ca mắc Đậu mùa khỉ từ ngày 16-9 đến ngày 18-10, thành phố ghi nhận 2 ca nhiễm, đã được cách ly, điều trị và xuất viện về nhà.
“Hiện Sở Y tế TPHCM và các địa phương đang tổng hợp số lượng trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, nhu cầu sử dụng vaccine báo cáo Bộ Y tế”, đồng chí Đặng Quốc Toàn cho biết thêm.