Khấp khởi kinh doanh, buôn bán trở lại
Theo ghi nhận vào chiều 20-4, việc san lấp mặt bằng đoạn đường Lê Lợi, phía trước chợ Bến Thành đang được triển khai cấp tập. Xe lu, máy xúc và công nhân làm việc liên tục dưới nắng chiều.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, sau khi lấp đất phía trên nóc hầm metro, chính giữa sẽ trồng cây xanh, phần còn lại ở hai bên tái lập mặt đường nhựa cho xe lưu thông. Tại công trường, phần hoàn thiện nền hạ mặt đường cũng như thi công các hạng mục khác đang được giải quyết rốt ráo.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), trước ngày 30-4, toàn bộ rào chắn của dự án tuyến metro số 1 ở khu vực này sẽ được tháo dỡ xong. Để đảm bảo đúng tiến độ, các nhà thầu đang tái lập mặt đường bên trên ga ngầm Nhà hát Thành phố như cắt tường vây, phá vỡ sàn tạm, đắp cát, cống thoát nước…
Sau 7 năm dựng rào chắn phục vụ thi công ga ngầm Bến Thành thuộc dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (còn gọi là tuyến metro số 1), đường Lê Lợi đang dần được hoàn trả bộ mặt vốn có của tuyến phố trung tâm, kết nối lại giao thông. Những quầy kinh doanh, cửa hàng ăn uống… tại khu vực này nhiều năm nay gần như tê liệt, cửa đóng then cài đang trông ngóng ngày hoạt động nhộn nhịp trở lại.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, có nhà mặt tiền đường Lê Lợi, cho hay, hàng quán ế ẩm, chẳng có thu nhập do rào chắn án ngữ trong thời gian dài, nay rào chắn được giải tỏa sẽ buôn bán trở lại.
Còn anh Nguyễn Văn Thanh, chủ cửa hàng máy ảnh Thanh, cho biết, khi thi công tuyến metro, gia đình anh phải dời cửa tiệm từ mặt tiền đường Lê Lợi sang đường Lê Lai. “Rào chắn phục vụ việc thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sắp được dỡ bỏ, việc kinh doanh sẽ trở lại như xưa”, anh Thanh nói.
Hướng đến phố đi bộ
Tuyến metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM, với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20km, trong đó đi ngầm 2,6km, còn lại là đoạn trên cao.
Không chỉ phục vụ giao thông, dự án cũng được thiết kế hài hòa, đảm bảo mỹ quan đô thị. Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM mới đây cho biết đã nghiên cứu, đề xuất ý tưởng cảnh quan và không gian các tuyến đường trong khu vực trung tâm TP với mục tiêu định hướng tổ chức không gian đi bộ, tổ chức giao thông và các khu vực đỗ xe theo trục Lê Lợi, Hàm Nghi, Pasteur…
“Tuyến metro số 1 đang chuẩn bị bàn giao mặt bằng tại tuyến đường Lê Lợi, nên việc triển khai nghiên cứu thiết kế và đầu tư lại toàn bộ cảnh quan dọc đại lộ Lê Lợi là cần thiết và cấp bách”, một chuyên gia Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đề xuất.
Cùng với đó, Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm (PGS-TS Vũ Anh Tuấn - chủ nhiệm nhóm nghiên cứu thuộc Công ty TNHH Tư vấn GTVT và đô thị) cũng vừa được tổ chức hội nghị phản biện. PGS-TS Vũ Anh Tuấn cho biết, có 3 phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ mà đơn vị nghiên cứu đề xuất, trong đó phương án 2 được đa số chuyên gia, đại diện lãnh đạo địa phương và người dân đánh giá cao về tính khả thi.
Cụ thể, sẽ tổ chức phố đi bộ trên các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, với mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm tất cả phương tiện lưu thông trên các tuyến này vào những ngày cuối tuần.
Cùng quan điểm trên, Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, phân tích, trong những năm qua, tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ hình thành và đi vào hoạt động đã đem lại giá trị lớn về không gian đi bộ, không gian cộng đồng cho TP.
Tuy nhiên tuyến đường này mới chỉ giải quyết vấn đề đi bộ, không có sự kết nối, đặc biệt là chưa giải quyết được giai đoạn, giao điểm với trục đường Lê Lợi - vốn đã được xác định là không gian đi bộ kết hợp các nhà ga tuyến metro, hình thành trục dịch vụ thương mại lớn từ quy hoạch trước đây. Do đó, việc chỉnh trang đồng bộ 2 tuyến đường này làm cơ sở hình thành quảng trường đi bộ trong những năm tới là việc cần thiết.
Tiến sĩ Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, cũng ủng hộ đề án phát triển phố đi bộ để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. “Hiện tuyến metro số 1 sắp đưa vào khai thác. TP đang tổ chức ý tưởng thiết kế không gian ngầm ở dưới các nhà ga tại khu vực trung tâm. Vì vậy, cần làm rõ tính liên kết giữa không gian ngầm và trên mặt đất cho đồng bộ”, TS Hà Ngọc Trường phân tích.
Theo Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm, sẽ mở rộng một số tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025 tại khu trung tâm hiện hữu 930ha, gồm các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão với diện tích khoảng 300ha. |