Ngày 10/9, giới chức Đan Mạch dỡ bỏ toàn bộ hạn chế về Covid-19 và tuyên bố SARS-CoV-2 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng” ở nước này.
Đan Mạch là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 ấn tượng với 86% công dân trên 12 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 95% người trên 50 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ.
Mức độ tin tưởng cao và ổn định từ phía người dân đối với các cơ quan y tế Đan Mạch được cho là chìa khóa dẫn đến sự thành công trong công tác chống dịch của nước này, theo Washington Post.
Sự tin tưởng nói trên đã thúc đẩy người dân tham gia tiêm chủng và giúp Đan Mạch triển khai thành công các chính sách quan trọng như xét nghiệm Covid-19 hàng loạt và cấp hộ chiếu vaccine.
Người dân Đan Mạch tham gia buổi biểu diễn của ban nhạc "The Minds of 99" tại Copenhagen vào ngày 11/9, đánh dấu sự trở lại cuộc sống bình thường của quốc gia Bắc Âu. Ảnh:Reuters. |
Niềm tin từ người dân
Trong khuôn khổ dự án HOPE về hành vi liên quan đến Covid-19, báo Washington Post đã khảo sát hơn 400.000 người ở Đan Mạch và 7 quốc gia khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ do dự của người dân đối với việc tiêm vaccine phản ánh sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan chính phủ.
Dữ liệu khảo sát của dự án HOPE chỉ ra rằng hơn 90% người dân Đan Mạch tin tưởng các cơ quan y tế quốc gia. Vào mùa thu 2020, hơn 80% dân số Đan Mạch đủ điều kiện tiêm chủng sẵn sàng tiêm các loại vaccine đã được phê duyệt, cao hơn 30% so với tỷ lệ ở Mỹ.
Dù mức độ tin tưởng cao từ phía người dân tạo ra lợi thế trong công tác chống dịch, việc duy trì sự tin tưởng này có thể là một vấn đề nan giải. Theo nghiên cứu của Washington Post, sự minh bạch trong truyền thông là chìa khóa giúp duy trì niềm tin của người dân đối với chính phủ.
Cụ thể, giới chức y tế được khuyến cáo công khai các đặc điểm của vaccine, kể cả tác dụng phụ, để tạo dựng sự tin tưởng từ cộng đồng.
Ở chiều ngược lại, tờ Washington Post cũng cho rằng các nhà chức trách cần tin tưởng công dân của họ có thể định hướng giữa những luồng thông tin tiêu cực và đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm.
Tương phản với động thái hạ thấp mức độ nghiêm trọng của SARS-CoV-2 từ phía cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2020, giới chức Đan Mạch đã thẳng thắn về những bất ổn xoat quanh cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19.
Vào tháng 3, các quan chức y tế Đan Mạch cũng công khai tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine và quyết định ngưng triển khai một số loại vaccine Covid-19.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 4/6. Ảnh:Reuters. |
Xây dựng khối đoàn kết xã hội
Cùng lúc đó, Đan Mạch đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng loạt. Vào mùa xuân, quốc gia Bắc Âu này thực hiện 4 triệu lượt kiểm tra mỗi tuần.
Để thúc đẩy người dân đi xét nghiệm, giới chức Đan Mạch tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người dân rằng việc tham gia kiểm tra nCoV là một nghĩa vụ đạo đức, giúp xây dựng khối đoàn kết xã hội để đánh bại đại dịch.
Cách tiếp cận nói trên có thể phản tác dụng khi người dân lên án và đổ lỗi cho nhau về việc không chủ động xét nghiệm Covid-19, từ đó dẫn đến xung đột.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Washington Post, người dân Đan Mạch không có dấu hiệu bêu xấu lẫn nhau. Hầu hết công dân nước này làm theo lời khuyên của các nhà chức trách thay vì lên án đồng bào của họ.
Cũng theo nguồn tin trên, mức độ ủng hộ đối với các chính sách của giới chức Đan Mạch cao đến mức phần lớn những người bỏ phiếu chống lại các đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vừa qua vẫn nghĩ rằng chính phủ chống dịch hiệu quả.
Tạo dựng sự thống đất giữa các công dân được xem là một chiến lược hiệu quả được giới chức Đan Mạch áp dụng để chống dịch Covid-19. Ảnh:Reuters. |
Một trong những mối đe dọa chính đối với chiến dịch xây dựng khối đoàn kết xã hội nằm ở sự mâu thuẫn đảng phái, thường bắt nguồn từ giới tinh hoa sau đó lan xuống công chúng.
Trong một cuộc khủng hoảng kéo dài như đại dịch Covid-19, sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ nhiều khả năng sẽ giảm dần theo thời gian. Sự phân cực giữa các chính trị gia cấp cao có thể đẩy nhanh quá trình này, theo Washington Post.
Đan Mạch có một số lợi thế nhất định để đối phó với dịch Covid-19. Bởi lẽ, các đảng chính trị của Đan Mạch có bề dày lịch sử hợp tác với nhau. Những cuộc khảo sát của dự án HOPE cho thấy 80% người Đan Mạch cảm thấy các nhà lãnh đạo của họ đoàn kết với nhau để chống lại đại dịch.
Sự thống nhất này đã bị đe dọa hai lần. Vào tháng 11/2020, thông báo của chính phủ về việc tiêu hủy toàn bộ chồn ở Đan Mạch đã khơi mào cho nhiều luồng chỉ trích về các giá trị pháp lý và sức khỏe xoay quanh quyết định này.
Ba tháng sau, phe đối lập cực hữu bất đồng với chính phủ về lộ trình mở cửa lại đất nước. Tuy nhiên, sau những cuộc đàm phán kỹ lưỡng, các đảng phái của Đan Mạch đã tìm được tiếng nói chung và cảm giác phân cực giữa các công dân nước này cũng giảm dần.