Đảng PAP và mối gắn bó với nhân dân

Gần 2 thập niên kể từ chuyến thăm vào năm 1993 của Tổng Bí thư (TBT) Đỗ Mười, đây là lần thứ hai đảo quốc Sư Tử có vinh hạnh đón tiếp vị lãnh đạo đảng cao nhất từ Việt Nam sang: TBT Nguyễn Phú Trọng đến Singapore từ ngày 12 đến 14-9-2012 theo lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long với tư cách là Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân (PAP), đảng cầm quyền hiện nay ở Singapore.

Gần 2 thập niên kể từ chuyến thăm vào năm 1993 của Tổng Bí thư (TBT) Đỗ Mười, đây là lần thứ hai đảo quốc Sư Tử có vinh hạnh đón tiếp vị lãnh đạo đảng cao nhất từ Việt Nam sang: TBT Nguyễn Phú Trọng đến Singapore từ ngày 12 đến 14-9-2012 theo lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long với tư cách là Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân (PAP), đảng cầm quyền hiện nay ở Singapore.

Chuyến thăm của TBT diễn ra sau chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 9 năm ngoái và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam hồi tháng 4 năm nay, tức  chỉ trong vòng 1 năm đã có đến 3 vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước của Việt Nam và Singapore thăm hỏi nhau và thể hiện tinh thần hợp tác.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, mục đích chuyến thăm Singapore lần này của TBT là để tiếp tục chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện ưu tiên cho các nước trong khu vực, tăng cường quan hệ với PAP và tạo cơ sở chính trị vững chắc cho quan hệ 2 nước.

Trong chuyến thăm 3 ngày này, ngoài các buổi làm việc chính thức với lãnh đạo Đảng PAP và Nhà nước Singapore, TBT sẽ đến đặt vòng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapore, cạnh Viện Bảo tàng Văn minh châu Á. TBT cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt, các doanh nghiệp Singapore và sẽ có bài phát biểu với tựa đề: “Vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

Đảng Cộng sản Việt Nam và PAP thiết lập quan hệ chính thức vào tháng 10-1993 và sau đó đã có nhiều hoạt động giao lưu như trao đổi kinh nghiệm xây dựng đảng, lãnh đạo nhà nước và đào tạo cán bộ.

Dù bối cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế và xã hội cũng như thể chế chính trị không giống nhau nhưng về bản chất, mục tiêu và cương lĩnh hành động của PAP không có gì khác biệt với Đảng Cộng sản Việt Nam là “phụng sự quốc gia vì sự thịnh vượng của người dân”.

Cũng giống như Việt Nam, Chính phủ Singapore được hình thành từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trúng cử phần lớn thuộc PAP. Điều khác biệt mà Việt Nam cần tham khảo đó là lãnh đạo đảng cầm quyền (Tổng thư ký PAP) cũng kiêm luôn chức vụ Thủ tướng và đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống.

Cứ mỗi lần bầu cử PAP lại tìm kiếm nhân tài là những cá nhân thành đạt đã khẳng định tài năng của mình trong hoạt động kinh tế - xã hội Singapore, huấn luyện họ trở thành những đảng viên ưu tú đặt lợi ích quốc gia lên trên hết với cơ chế đãi ngộ sòng phẳng, xứng đáng. Chuẩn bị lực lượng kế thừa nhưng PAP cũng biết tận dụng và khai thác đội ngũ đảng viên kỳ cựu và sẵn sàng loại bỏ những đảng viên không chấp hành luật pháp, đi ngược với đường lối phục vụ lợi ích của quốc gia mà PAP là người khởi xướng.

Triết lý hành động của PAP là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” (socialist democracy) và đích thân vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore là Lý Quang Diệu trong mỗi lần vận động tranh cử đều đưa ra những khẩu hiệu thực tế, mục tiêu cụ thể chứ không phải chỉ là cương lĩnh chung.

PAP hiện có 15.000 đảng viên trong đó có lực lượng hậu bị là phụ nữ  và thanh niên với Văn phòng Trung ương Đảng bề ngoài trông rất khiêm tốn tọa lạc ở khu vực ngoại ô gần sân bay quốc tế Changi. Sau khi thắng cử và được người dân Singapore tín nhiệm bầu chọn làm ĐBQH, đảng viên PAP tự xây dựng chương trình gặp gỡ người dân hàng tuần.

Họ còn thường xuyên gặp dân vào các dịp lễ, thậm chí ngày gia đình người dân có việc riêng hay hiếu hỷ theo tập quán Á châu. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, tạo tiền đề cho lần bầu cử nhiệm kỳ sau. Đến Singapore nếu chịu khó quan sát ở những trung tâm cộng đồng, bạn có thể thấy đảng viên PAP tiếp dân từ 8 giờ tối. Họ đến nơi tiếp dân bằng phương tiện cá nhân và bắt tay vào làm việc ngay, không cần tiền hô hậu ủng, không cần giới thiệu, vì mọi người dân hầu như đã biết rõ về họ.

Dĩ nhiên là họ không thể làm việc một mình mà đã có những người tình nguyện của khu vực dân cư hay thuộc tổ chức quần chúng nào đó đã đến làm việc từ 6 giờ tối để tiếp đón và đăng ký những người dân cần gặp đại biểu. Những người đến gặp đảng viên PAP có thể đi cả gia đình, có cả cháu nhỏ, trang phục thoải mái.

Thời gian dành cho việc tiếp mỗi người dân khoảng 7-10 phút. Việc gặp dân như thế không mang tính chất hành chính, không quy định giờ kết thúc, nên thường 1 giờ sáng, đôi khi đến 3 giờ sáng đại biểu mới hết việc, được ra về.

Đảng viên PAP thật sự gắn bó với người dân khi phải thường xuyên lắng nghe trình bày của họ về những khó khăn, vướng mắc của dân trong cuộc sống như vấn đề thu nhập, việc làm, mâu thuẫn hàng xóm. Sau đó, họ giải thích, hướng dẫn, giúp người dân viết đơn, thư để gửi đến những nơi cần thiết.

Điều thú vị là đội ngũ tình nguyện của cộng đồng giúp đảng viên PAP tiếp dân ở các khu vực có thể là những người cùng đảng hoặc chưa vào đảng nhưng có tâm huyết đóng góp công sức để giúp dân. Những người này có cả doanh nhân, thầy giáo, bác sĩ, người đã nghỉ hưu đến làm việc hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ khoản lương hay phụ cấp nào mà động cơ chính là vì đảng và cộng đồng.

Trở lại với chuyến thăm Singapore của TBT Nguyễn Phú Trọng, ngoài những vấn đề nóng như biển Đông và ổn định, hòa bình cho khu vực, chắc chắn quan hệ giữa PAP và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng gắn bó hơn để cùng thúc đẩy ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn. Hy vọng những kinh nghiệm trong việc xây dựng đảng, lãnh đạo nhà nước, phát hiện, thu hút và đào tạo nhân tài của PAP sẽ được Đảng ta tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng trong các bối cảnh cụ thể.

Các tin khác