Hôm qua 15-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc với một số DN, hiệp hội ngành nghề và cơ quan ban ngành góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Theo chuyên gia Mai Thanh Tòng, Hội Kế toán TPHCM, bản chất việc đánh thuế TTĐB là để tăng thu ngân sách, đồng thời hạn chế những mặt hàng, sản phẩm Nhà nước không khuyến khích dùng. Hiện các nước đã đánh thuế TTĐB trên cả sản phẩm nước giải khát có gas, nhưng Việt Nam lâu nay thì không.
“Pepsi, CocaCola là 2 tập đoàn có thị phần nước giải khát lớn, hầu như đóng góp cho ngân sách rất thấp, vậy tại sao không dùng thuế TTĐB đối với 2 DN này để tạo nguồn thu ngân sách” - ông Tòng nói.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng việc tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý đồng thời chống buôn lậu thuốc lá cần đi trước một bước. Theo ông Cường, nếu tăng thuế TTĐB thuốc lá vào thời điểm này vô tình tiếp tục tạo “cú hích” cho buôn lậu càng phát triển, tiêu thụ thuốc lá không giảm do thuốc lậu trốn thuế, giá rẻ.
Theo số liệu điều tra đầu năm 2014, thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; 9 tháng năm 2014, khảo sát của AC NIELSEN, thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40%. Vì vậy, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị tăng TTĐB thuốc lá lên 70% vào năm 2017 và tăng 75% vào năm 2020.
Ông Vũ Lê Tùng, TCT Công nghiệp Sài Gòn, cho biết từ khi Luật Phòng chống thuốc lá có hiệu lực năm 2013, hoạt động kinh doanh của công ty khó khăn hơn do trên bao thuốc in cảnh báo bằng hình ảnh. Trước đây, thuốc lậu chủ yếu là Jet và Hero được bán tràn lan công khai ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, thì nay đã xuất hiện thêm 10 nhãn thuốc lá lậu mới phủ khắp cả nước và có dấu hiệu ngày càng tăng trưởng. Chính thực trạng này đã khiến sản lượng toàn ngành thuốc lá 9 tháng năm 2014 sụt giảm 20%.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), DN ô tô Việt Nam hiện đang gặp bất lợi trên 3 yếu tố về giá. Thứ nhất, căn cứ tính thuế TTĐB của xe sản xuất trong nước dạng CKD và xe nhập khẩu dạng CBU không thống nhất (thuế TTĐB cho xe nhập khẩu nguyên chiếc tính trên giá nhập khẩu CIF cộng với thuế nhập khẩu, trong khi xe sản xuất trong nước được tính trên giá bán buôn). Nếu vẫn giữ quy định này khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, xe sản xuất trong nước sẽ bất lợi về giá.
Thứ hai, thuế nhập khẩu linh kiện và cụm linh kiện vẫn giữ ở mức cao trong khi tại các nước khác trong khu vực như Thái Lan, linh kiện nhập về từ khắp các nước trên thế giới để sản xuất tại KCN, KCX để xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Thứ ba, sản lượng quá nhỏ nên chi phí sản xuất tại Việt Nam rất cao. Do vậy, thay vì tăng nên giảm thuế TTĐB hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Vũ Xuân Hưng, đại diện VCCI TPHCM, cho rằng lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục trong thời gian ngắn với mức thuế suất cao sẽ gây khó khăn cho các DN sản xuất. Hơn nữa, việc đánh thuế TTĐB lên các mặt hàng bia rượu, thuốc lá cần có lộ trình phù hợp với quy hoạch phát triển của từng ngành.