Đào tạo nguồn nhân lực: Lạc điệu, xa rời thực tiễn

(ĐTTCO) - Tìm được việc làm đúng chuyên ngành và được hưởng lương cao sau khi ra trường luôn là mơ ước của tất cả sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). 
Nhưng thực tế cho thấy số sinh viên sau khi tốt nghiệp, làm việc không đúng chuyên ngành chiếm tỷ lệ không nhỏ và ngày càng có xu hướng tăng. Một trong các nguyên nhân chính là do chất lượng đào tạo của nhà trường yếu và không phù hợp thực tế.
Thừa thầy, thiếu thợ
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), tính đến hết năm học 2016-2017 cả nước có 235 trường ĐH, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.
 Nội dung chương trình giáo dục ĐH, CĐ được các nhà chuyên môn đánh giá là nặng về lý thuyết suông, xa rời thực tế. Đây là vấn đề muôn thuở của hệ thống giáo dục ĐH, CĐ đã tồn tại cả chục năm về trước. Nguyên nhân của vấn đề này do thiếu sự liên kết chặt chẽ của nhà trường đối với doanh nghiệp, chưa nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nên nội dung đào tạo cứ luẩn quẩn bao năm cũng chỉ có bấy nhiêu, dần trở nên lạc hậu, không nắm bắt đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ lụy này dẫn đến nạn thất nghiệp tràn lan của sinh viên mới tốt nghiệp.
PGS.TS LÊ HỮU LẬP, 
nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nhiều trường vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh; đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính phân tán; chưa đầu tư dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong cùng 1 địa bàn...
Nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội cần lại thiếu trầm trọng. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những bất cập được thể hiện rõ khi năm 2017 hơn 200.000 cử nhân mới ra trường thất nghiệp, hoặc phải làm những công việc trái ngành được đào tạo, những công việc giản đơn không yêu cầu bằng cấp.
Một thực tế hiện nay là nhiều trường ĐH, CĐ chạy đua tuyển sinh, mở rộng cả ngành học lẫn số lượng nhưng thiếu đầu tư chất lượng, khiến ĐH như “nấm mọc sau mưa”, trong khi với các trường nghề mùa tuyển sinh năm nào cũng thiếu chỉ tiêu, thậm chí có trường số lượng đầu vào chỉ vài chục học sinh. Thực trạng này còn do tâm lý của các bậc cha mẹ muốn con em mình vào các trường ĐH, với khát vọng sau này trở thành “thầy”, không muốn làm “thợ”.
Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, nên con đường để bước vào học nghề chỉ là phương án “vớt” của các bậc phụ huynh. Chỉ khi nào các em thi trượt ĐH, học sinh có học lực trung bình hoặc một số em có hoàn cảnh khó khăn mới đủ can đảm thi và đăng ký vào các trường, các trung tâm dạy nghề. Chính từ những suy nghĩ này đã tạo ra nghịch lý trên. 

Sinh viên tốt nghiệp lao đao
Móng tay cắt ngắn, đôi bàn tay đầy vết trầy xước và những vết chai sần… là hậu quả của 12 giờ mỗi ngày Lê Thị Nam Phương (quê Quảng Nam) làm việc trong một quán ăn ở quận 10, TPHCM. Cách đây 5 năm, khi hăm hở vào TPHCM nhập học ở một trường ĐH em không thể tưởng tượng ra viễn cảnh này. Phương tâm sự: "Nhiều tháng ròng thất nghiệp, phỏng vấn, thử việc em đều thất bại. Quá mệt mỏi, em quyết định phụ việc ở quán ăn để chờ cơ hội. Ba mẹ ở quê, làm nông ba cọc ba đồng, còn phải lo mấy đứa em ăn học. Lúc này em buồn lắm, nhưng biết làm sao”.
 Trên thực tế, có vị trí việc làm chỉ cần người có trình độ trung cấp, hoặc sơ cấp, nhưng phần lớn hồ sơ đăng ký tuyển dụng là người có trình độ ĐH. Điều này cho thấy sự lãng phí lớn về đào tạo, trong khi người tốt nghiệp ĐH chưa chắc đã làm việc tốt hơn người tốt nghiệp trung cấp. Đặc biệt, khi chuyển sang cơ chế thị trường, việc đào tạo nghề là đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nhiều thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, khi hình thành thị trường lao động, độ chênh và sự không khớp giữa cung và cầu đã gây sự lãng phí lớn trong đào tạo nguồn nhân lực. Và đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng thừa thầy thiếu thợ. 
Ông Đào Quang Vinh, 
Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH)
Trương Hoàng Văn, tốt nghiệp khoa Toán - Tin học ĐH Sư phạm Quy Nhơn không thể xin được việc làm ở quê nhà, đã quyết định “Nam tiến”. Sau hơn nửa năm chạy vạy, Văn được nhận vào làm tại một công ty Nhật Bản ở TPHCM nhờ lợi thế về chuyên môn, vốn tiếng Nhật. Rồi anh được qua Nhật Bản làm việc trong 2 năm. Trở về TPHCM anh đã tích lũy được một số vốn kha khá, mua nhà rồi cưới vợ. Nói về kinh nghiệm bản thân, Văn chia sẻ: “Bằng cấp chỉ là một phần trong những tiêu chí đánh giá ứng viên. Quan trọng là năng lực thực tế của ứng viên và mức độ phù hợp với doanh nghiệp. Quan trọng là phải có định hướng rõ ràng khi ra trường để nắm bắt được cơ hội công việc”.
Hiện nay, khi thị trường lao động ngày càng thay đổi mạnh, đòi hỏi người lao động đáp ứng nhanh yêu cầu thực tế công việc, thì chương trình học tại các trường ĐH ở nước ta vẫn theo lối mòn: nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Một số trường đã có những thay đổi nội dung đào tạo sát với thực tế hơn nhưng do thiếu điều kiện, phương tiện để sinh viên thực hành, thiếu sự liên kết trong đào tạo giữa nhà trường và cơ sở sản xuất, kinh doanh nên khoảng cách học và hành vẫn còn xa vời.
Khi ra trường, mớ kiến thức sinh viên có được khác xa với thực tế công việc. Và đương nhiên, thời gian để thích ứng với công việc tương đối dài. Trong khi đó, hầu hết cơ quan, doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng những người có khả năng làm việc ngay tức thì, thậm chí là phải có kinh nghiệm vài năm.
Về phía sinh viên, phần lớn còn thiếu ý thức trong việc cập nhật kỹ năng thực hành. Họ chủ yếu chú trọng đến bằng tốt nghiệp, kết quả học tập, mà ít quan tâm các yếu tố thực hành, kỹ năng ngành nghề và các kỹ năng khác như khả năng giao tiếp, thảo luận, đóng góp ý kiến, thuyết trình trước đám đông; hay tìm hiểu về công ty, việc làm mình định nhắm đến... Vì thế, nhiều sinh viên ra trường có bằng khá, giỏi, thậm chí 2, 3 bằng nhưng vẫn thất nghiệp. Vì thiếu kỹ năng thực hành, hàng năm số sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề vẫn luôn chiếm tỷ lệ cao.
Việc đào tạo ồ ạt trong những năm gần đây dẫn đến nghịch lý số lượng sinh viên đông nhưng chất lượng chưa tương xứng, đã khiến các cử nhân sau khi ra trường khó có thể tìm cho mình một công việc thích hợp. Sinh viên khó có khả năng tiếp cận thị trường lao động do kỹ năng mềm còn hạn chế. Nhiều cử nhân khi làm việc tại các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Ở khía cạnh khác, việc chọn ngành nghề của các trí thức trẻ phụ thuộc nhiều vào các vị phụ huynh hoặc xu hướng nghề nghiệp “hot”, cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ về các công việc trong xã hội với các bạn sinh viên hầu như là con số 0 tròn trĩnh. Chính vì vậy, trước khi nộp hồ sơ ĐH, nhiều thí sinh vẫn chưa thể xác định được sở thích nghề nghiệp của bản thân để có lựa chọn thích hợp. 
Đào tạo nguồn nhân lực: Lạc điệu, xa rời thực tiễn ảnh 1 Việc đào tạo nghề hiện nay với công cụ lạc hậu, xa rời thực tiễn. 
Nâng cao kỹ năng, kiến thức thực tiễn
Điều này dẫn tới hậu quả sau khi vào học, tiếp xúc với các môn chuyên ngành khó khiến các sinh viên không hứng thú với ngành học đó, dẫn đến tư tưởng thụ động, chán nản, lười học, lười áp dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất với sinh viên Việt Nam là khả năng ngoại ngữ, nhất là trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay.
Thực tế như vậy, nhưng khi ra trường sinh viên lại chê việc, nghĩ mình là “nhà thông thái”.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH trong tay, nhiều cử nhân, kỹ sư được nhà tuyển dụng tiếp nhận nhưng đã từ chối chỉ vì lương thấp, công ty nhỏ không có tên tuổi trên thương trường. Không ít tân cử nhân quan niệm phải làm việc ở các doanh nghiệp lớn, thuê văn phòng hoành tráng, mặc quần áo đồng phục đẹp đẽ, sử dụng máy tính xịn… mới xứng đáng với tấm bằng ĐH. Quan niệm đó có phần không sai, nhưng trước khi đặt ra tiêu chí đó, các tân cử nhân, kỹ sư có bao giờ tự hỏi: mình là ai! Tình trạng đó ở sinh viên được các nhà tuyển dụng gọi là hiện tượng “ngộ nhận bản thân”. 
Theo các chuyên gia giáo dục, giáo dục ĐH cần hướng tới năng lực và kỹ năng sinh viên thu nạp được sau 4 năm học. Cần phải có sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu của xã hội; phải xác định rõ các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cần gì, để hướng tới mục tiêu đào tạo. Việc đào tạo ĐH, CĐ cần mang tính ứng dụng thực tế, tránh tình trạng sinh viên sau khi ra trường chỉ có lượng kiến thức lý thuyết, không biết áp dụng vào công việc.
Tại nhà trường, cần tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với công việc thực tiễn của các doanh nghiệp, tổ chức. Đối với người lao động, trước tiên phải có định hướng việc làm ngay trong thời gian học tập, để tìm cách tiếp cận với thực tế công việc đó, trau dồi bản thân những kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu. Một trong những giải pháp nữa là sinh viên cần làm quen dần với công việc tương lai qua việc làm thêm, thực tập, từ đó biết bản thân thiếu, yếu những khía cạnh nào để tự khắc phục và bù đắp bằng kiến thức thực tiễn.

Các tin khác