Trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái, con số 6,85 triệu lượt lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012 (trong đó có đến 4,17 triệu lượt khách du lịch, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay) là một điều đáng mừng đối với ngành du lịch Việt Nam.
So với năm 2011, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng 7,3%. Theo nhận định của các DN, những năm gần đây, du khách nước ngoài ngày càng đánh giá cao về Việt Nam với các yếu tố hấp dẫn như thời tiết đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều sản phẩm du lịch mới lạ cũng như chính sách thông thoáng, con người thân thiện.
Kết quả này có được là nhờ những năm qua Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế. Tại thị trường trong nước, các chương trình kích cầu du lịch cũng được xúc tiến thực hiện, tạo ra sự bắt tay giữa các DN lữ hành, hàng không, nhà hàng, khách sạn... để có mức giá cạnh tranh thu hút khách nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực để đưa du lịch phát triển, hiện nay ở nhiều trung tâm du lịch lớn trên cả nước vẫn còn xảy ra cảnh tượng chặt chém, lừa đảo du khách, gian lận cước taxi, nạn bán hàng rong đeo bám du khách… đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện mạo của du lịch Việt Nam.
Trước vấn nạn này, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã chỉ đạo toàn ngành phải quyết liệt vào cuộc để giải quyết tình trạng nói trên. Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát là cần thiết nhưng không phải là cách làm bền vững. Bởi hiện nay, lực lượng cung ứng dịch vụ du lịch đông đảo nhất ở nước ta chính là người dân địa phương.
Do thiếu kiến thức, trình độ, kỹ năng và chưa có một công việc ổn định nên họ kiếm lời theo kiểu ăn xổi ở thì. Do vậy, muốn tạo ra một hình đẹp cho du lịch Việt Nam, ngoài quảng bá, cơ quan quản lý lẫn các DN trong ngành cần tổ chức giáo dục, nâng cao trình độ, đưa người dân ở các vùng du lịch trọng điểm tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ du lịch, phục vụ lợi ích chung, thay vì chỉ làm vì lợi ích cá nhân gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch quốc gia.