Chiếm đất công có tổ chức
Những năm trước 2018, dọc hành lang KKT Nhơn Hội, vị trí giáp ranh đầm Thị Nại kéo dài hàng chục km, ngổn ngang cảnh lấn chiếm, xây dựng trái phép. Các đối tượng vi phạm manh động, huy động cọc bê-tông, thép gai rào chắn, bao chiếm hàng ngàn m2 đất công trong KKT để phân lô, bán nền. Nguyên nhân chính do sự thiếu nhất quán trong quy hoạch KKT Nhơn Hội ngay từ đầu, cùng với việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dẫn đến các dự án “rùa bò” khiến KKT này bị xâu xé. Ngoài ra, lịch sử rối rắm trong quản lý đất công của địa phương qua nhiều thời kỳ cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiến sự việc càng phức tạp.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý KKT Bình Định, trong năm 2019, đơn vị chức năng đã tiến hành cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất công trái phép tại KKT Nhơn Hội. Từ đầu tháng 4-2019 đến nay, đơn vị chức năng tiếp tục phát hiện, lập biên bản thêm hàng trăm trường hợp vi phạm. Trong đó, nóng nhất vẫn là tại 2 xã Cát Khánh và Cát Tiến của huyện Phù Cát (nằm trong KKT Nhơn Hội). Báo cáo trên còn thể hiện, tại xã Cát Tiến giá đất đang tăng vọt, trong khi người dân bất chấp pháp luật để lấn chiếm, mua bán trái phép…
Chính quyền xã Cát Tiến buông lỏng quản lý để người dân lấn chiếm,
xây dựng trái phép trong KKT Nhơn Hội.
xây dựng trái phép trong KKT Nhơn Hội.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp nhằm lập lại trật tự ở KKT Nhơn Hội. Cuộc họp này, các bên đã ngồi lại thẳng thắn mổ xẻ nhiều bất cập và vướng mắc. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã nhìn ra sự phức tạp trong quản lý, xác định nguồn gốc đất xung quanh KKT này. Các bên đã chỉ rõ thiếu sót nằm ở khâu buông lỏng quản lý của địa phương, sự phối hợp rời rạc, ì ạch và đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên… Đặc biệt, các bên đã nhìn thấy một thực tế có sự đứng sau “giật dây” tổ chức lấn chiếm đất, xây dựng trái phép với quy mô lớn để trục lợi. Nhiều cán bộ, đảng viên nắm rõ quy hoạch của địa phương đã lợi dụng quyền và tầm ảnh hưởng để trực tiếp tham gia hoặc đứng sau tổ chức lấn chiếm, xây dựng trái phép…
Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết hiện tại giá đất ở TP Quy Nhơn và các địa phương dọc Quốc lộ 1A, đặc biệt là các địa phương ven biển dọc KKT Nhơn Hội, vẫn đang tăng từng ngày, càng khiến làn sóng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép tại địa phương trở nên phức tạp hơn. “Có một thực tế, khi tỉnh thông qua quy hoạch, ở dưới bắt đầu lấn chiếm đất đai, xây dựng và sang tay trái phép. Ở đây có cán bộ đi đầu và mang tính tổ chức, lấn chiếm rồi phân lô bán… Mang tiếng là người dân lấn chiếm, nhưng đằng sau có cán bộ mua, rồi dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng nhà trái phép… Khi Chủ tịch UBND tỉnh và huyện về kiểm tra, Chủ tịch UBND các xã trốn hết” - ông Long nêu.
Phải mềm dẻo trong xử lý
Cũng theo ông Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên tham gia hoặc đứng đằng sau tổ chức các hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép… Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đề nghị công an tỉnh khẩn trương vào cuộc, tăng cường kiểm soát, nắm bắt tình hình để kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. “Tôi đề nghị Công an tỉnh nếu phát hiện các trường hợp đủ điều kiện chuyển cơ quan điều tra xử lý ngay” - ông Long nhấn mạnh.
Các đối tượng huy động cọc bê tông, thép gai bao chiếm đất công giữa KKT Nhơn Hội.
“Chở đạo” trong quản lý đất
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Định, thời gian qua, tại TP Quy Nhơn hàng tuần có 2-3 vụ cưỡng chế đất tài sản của người dân lấn chiếm. Đại tá Phan Công Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, thừa nhận việc cưỡng chế là bất đắc dĩ vì nó rất phức tạp, để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Đặc biệt, quá trình cưỡng chế chỉ cần vài sơ xuất sẽ bị hiểu lệch lạc tạo cớ cho dư luận không tốt lợi dụng, xuyên tạc. Đại tá Bình đề nghị cần hạn chế tối đa các vụ cưỡng chế, tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân tự nguyện thực hiện. Nếu ngay từ đầu có sự vào cuộc rốt ráo, có trách nhiệm, linh động và mềm dẻo của chính quyền cấp xã và huyện, sẽ hạn chế được nhiều vụ cưỡng chế.
Ông Nguyễn Phi Long cho biết thêm, lịch sử quản lý, nguồn gốc đất đai tại địa phương từ xưa vốn đã nhiều bất cập. Nên về sau, khi thực hiện quy hoạch để làm bất kỳ dự án gì khó tránh khỏi các vấn đề phát sinh như, buông lỏng quản lý, lấn chiếm đất, xây dựng, sang nhượng đất trái phép… Hệ lụy để lại là rất lớn, người dân thì hao tốn tiền của, cán bộ buông lỏng quản lý dính sai phạm bị kiểm điểm; lòng tin đôi bên bị sứt mẻ nhiều…
Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị tăng cường sự vào cuộc ngay từ ban đầu của địa phương, nhất là cấp xã để hạn chế tối đa các vụ cưỡng chế. Trong đó, Ban Quản lý KKT và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đẩy mạnh phối hợp, hướng dẫn và vào cuộc cùng với các địa phương. Nhất quyết, khi không còn phương án nào mới bắt buộc cưỡng chế để lập lại kỷ cương. Theo lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Định, theo Nghị định 91 các trường hợp lấn chiếm đất công có thể sẽ bị xử phạt 500 triệu đồng đối với các nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức…
Từ câu chuyện quản lý đất ở Bình Định và việc lập lại trật tự, kỷ cương dọc hành lang KKT cực Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chúng ta nhận ra rằng trong quản lý đất công cũng phải biết linh hoạt và mềm dẻo. Bởi, chỉ khi những người dân do thiếu hiểu biết hoặc bị xúi dục mà vi phạm hiểu được, tin theo và tự nguyện chấp hành, việc quản lý đất đai tại các địa phương sẽ hiệu quả hơn.