Theo thông tin từ Cục Hàng không VN, khoảng 15 ngày tới sẽ thẩm định xong phương án tăng trần giá vé nội địa, trước khi đưa trình lên các bộ liên quan. Hồi tháng 4, các hãng hàng không cũng đã thực hiện điều chỉnh giá trần, nên lần điều chỉnh này sẽ khiến vé máy bay nội địa càng đắt hơn.
Giá vé tăng mạnh
Nếu đề xuất tăng 1,5 lần (50%) khung giá trần vé nội địa được thông qua, giá vé cao nhất hạng phổ thông chặng TPHCM - Hà Nội cộng 10% thuế GTGT, phụ phí sẽ gần 4 triệu đồng/lượt. Ngay cả khi có nhiều mức giá khác nhau (mùa thấp điểm, cao điểm, đặt sớm...), nếu điều chỉnh trần 1,5 lần, giá vé nội địa sẽ tiếp tục tăng trung bình 15% so với hiện nay. Như vậy, trường hợp được thông qua, thì từ đầu năm tới nay, trần giá vé đã tăng tới trên 70%.
Giá vé máy bay hiện chiếm từ 1/3 đến một nửa giá các tour du lịch. |
Lý giải cho việc Cục Hàng không tiếp tục tính đến phương án tăng giá trần trong khi tháng 4-2011, khung giá trần vé máy nội địa đã được nới thêm hơn 23%, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết do đề xuất của các hãng, xuất phát từ thực tế các hãng hàng không đang khó khăn do giá xăng dầu tăng, tỷ giá tăng, lạm phát.
Trong khi đó, hiện giá vé nhiều chặng nội địa VN đang ngang bằng thậm chí đắt hơn một số nước trong khu vực. Cũng chặng Kuala Lumpur đi Penang (50 phút), giá vé của hãng Malaysia Airlines khứ hồi thấp nhất 109 MYR/lượt chưa thuế, tương ứng khoảng 750.000 đồng; Kuala Lumpur đi Kuantan (40 phút), giá khứ hồi thấp nhất 109 MYR, giá hạng phổ thông linh hoạt 379 MYR (khoảng 2,6 triệu đồng/lượt, nhưng mức chiết khấu lên tới 30%).
Các chặng bay tương tự của Vietnam Airlines từ Hà Nội - Huế/Đà Nẵng, giá vé khứ hồi hạng phổ thông mức tiết kiệm là 900.000 đồng/lượt chưa thuế, giá hạng phổ thông linh hoạt 1.480.000 đồng/chiều chưa thuế. Hà Nội - Đồng Hới giá vé 900.000 - 1,1 triệu đồng/lượt khứ hồi chưa thuế. Ông Tạ Hữu Thanh, Phó tổng giám đốc Jestar Pacific, cho rằng “giá vé nội địa không cao so với các nước trong khu vực mà chỉ cao so với thu nhập bình quân đầu người VN đang thấp hơn nhiều nước (Malaysia thu nhập bình quân khoảng 7.000 USD/năm, VN khoảng 1.100 USD/năm)”.
Các hãng du lịch lo
Cho biết “đang muốn tăng giá vé vì lỗ”, theo ông Tạ Hữu Thanh, đợt tăng giá trần hồi tháng 4 là cơ hội giảm bớt lỗ để đi đến hòa vốn, lần điều chỉnh giá này là để chủ động cần thiết trong kinh doanh, giảm bớt khó khăn, vì thực tế các hãng đều đang lỗ. Dù vậy, ông Thanh cũng thừa nhận các hãng hàng không định ra giá vé, nhưng phải được thị trường chấp nhận.
Thí dụ, chiều TPHCM - Hà Nội giá 2,5 triệu cả thuế, phí, nếu thời điểm tết, khách sẽ chấp nhận nới lên 2,7 - 3 triệu đồng/chiều, nhưng nếu tăng lên hơn 3 - 3,5 triệu theo giá trần, chắc gì đã bán được, nhiều người sẽ chuyển sang các phương tiện khác. Một lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng cho rằng: “Giá vé tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào điều tiết của thị trường, nếu tăng giá vé lên quá cao thì mất khách, không hãng nào mong muốn”.
Nhưng lời hứa giá vé sẽ tăng trong khuôn khổ thị trường chấp nhận được không đủ để các hãng lữ hành và người tiêu dùng bớt lo ngại. Giá vé máy bay hiện chiếm từ 1/3 đến một nửa giá các tour du lịch. Theo đại diện nhiều hãng lữ hành, việc tăng giá vé nội địa khiến giá vé tour du lịch nội địa sẽ cao hơn giá tour cùng thời gian đi các nước trong khu vực.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Marketing Saigontourist, cho biết nếu đề xuất tăng trần 1,5 lần của các hãng được chấp thuận, giá tour TP.HCM - Hà Nội sẽ đắt hơn tour trọn gói đi Thái Lan (khoảng 350 USD), thậm chí đắt hơn tour đi Singapore (hiện tại, giá tour đi Singapore 4 ngày khoảng 12,9 triệu đồng, giá tour TPHCM - Hà Nội khoảng 10 - 12 triệu đồng trong điều kiện thông thường).
Còn theo bà Hồ Thị Kim Dung, Phó giám đốc kênh Du lịch Việt, khi giá vé máy bay cao sẽ phải tách giá tour riêng, giá vé máy bay riêng để khách lựa chọn, hoặc làm giảm giá tour bằng cách bớt các điểm đến hoặc một số dịch vụ. Giá vé tăng sẽ khiến tour nội địa không hấp dẫn với khách du lịch trong nước, bởi cùng số tiền đó, có nhiều cơ hội lựa chọn các tour khu vực với chất lượng dịch vụ cao hơn là lo lắng chung của nhiều hãng du lịch.
Đại diện một hãng lữ hành lớn phía Nam cho biết: “Nhiều đoàn khách nước ngoài đã đặt tour du lịch VN đến hết năm 2012, khung giá tour được tính theo mức giá vé máy bay hiện tại. Nếu giá vé máy bay tăng, giá tour chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng lên, rất khó để khách hàng chấp nhận”.