Nếu như vài năm trước, đất nuôi cá tra ở ĐBSCL lên cơn sốt, giá từ 2-3 tỷ đồng/ha, riêng những vị trí thuận lợi như gần sông lớn, cặp lộ… giá còn cao hơn. Thế nhưng hiện nay tình hình trái ngược, hàng loạt ao hầm nuôi cá tra bỏ phế, kêu bán chẳng ai mua mặc dù giá đất đang rớt tận đáy.
Bán không ai mua
Về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… những ngày này có thể thấy ao hầm nuôi cá tra bỏ hoang phế khá nhiều. Điều này trái ngược so với 5 năm trước, khi phong trào nuôi cá ở đây phát triển chóng mặt theo kiểu “nhà nhà nuôi cá - người người nuôi cá”, từ đó đẩy giá đất tăng vùn vụt.
Bà Trần Thị Ngoặt (Thuận An, Thốt Nốt, Cần Thơ), cho biết lúc còn sản xuất lúa, giá đất ở khu vực này chỉ 200-300 triệu đồng/ha, những vị trí tốt giá cao lắm cũng không quá 400 triệu đồng/ha.
![]() |
Người dân thuê xe san lấp ao cá tra. Ảnh: H. LỢI |
Nhưng từ năm 2007, nghề nuôi cá tra thắng lớn đã đẩy giá đất vọt lên 1-1,5 tỷ đồng/ha, có nơi trên 2 tỷ đồng/ha. Thế nhưng vào thời điểm này, cùng với sự xuống giá của cá tra, giá đất tuột dốc, kêu bán không ai xem.
Ông Nguyễn Văn Chảnh (Vĩnh Thới, Lai Vung, Đồng Tháp) nói: “Đất đai dọc theo sông Hậu nhiều nơi bị sạn cát, gò cao… không trồng được lúa nên giá rất thấp. Nhưng khi đưa con cá tra về nuôi, trúng liên tục nhờ gần sông lớn, nguồn nước tốt… Thế là đất trở thành “vàng”, tăng lên mức 2 tỷ đồng/ha, nhiều đại gia ùn ùn về tranh nhau mua đất nuôi cá tra. Nay nhiều hộ kêu bán 1 tỷ đồng/ha vẫn không ai mua”.
Ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), một thời được mệnh danh là “cù lao cá” hay “cù lao tỷ phú” nhờ trúng đậm cá tra, ông Nguyễn Văn Thể cho biết: “Cách nay 4-5 năm, đất nuôi cá tra dọc cù lao này giá không dưới 2-3 tỷ đồng/ha. Nay kêu bán 300 triệu đồng/ha cũng chẳng ai để ý”. Ở An Giang, tình hình cũng tương tự, đất nuôi cá tra hiện bán rất khó khăn dù giá đã giảm tới đáy.
Ông Trần Văn Tâm (huyện Châu Phú, An Giang) bức xúc: “Gần 2ha đất nuôi cá của tui rao bán chỉ có 1,6 tỷ đồng, thấp hơn 60% so với 5 năm trước nhưng suốt 4 tháng nay vẫn không bán được, trong khi ngân hàng và các chủ nợ bên ngoài xiết nợ. Cùng đường, tui đề nghị giao đất cá tra để cấn nợ nhưng họ không chịu”.
Chưa có lối ra
Theo các sở nông nghiệp - phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL, giá đất nuôi cá tra rớt thê thảm do thời gian qua người nuôi cá liên tục lỗ nặng phải bán đất nuôi cá để trả nợ. Thế nhưng dù giá rẻ hơn cả đất lúa nhưng không có người mua. Nhiều hộ không bán được đất phải treo ao, bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống.
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, chủ nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), chua chát: “Năm rồi tui cung ứng thức ăn, cá nguyên liệu… cho một DN thủy sản ở Cần Thơ với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng. DN này làm ăn thua lỗ, không tiền trả nợ nên họ đưa 40ha đất nuôi cá tra để cấn trừ. Nhiều ngày nay tui kêu bán số đất này với giá rất rẻ, chấp nhận lỗ… nhưng chẳng ai mua”.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Gò Đàng, lo ngại: “Số hộ bỏ nghề cá tiếp tục tăng và số ao hầm nuôi cá bị “treo” cũng tăng theo. Vấn đề đặt ra lúc này là chuyển mục đích sử dụng hàng loạt ao hầm nuôi cá tra thế nào cho hiệu quả, tránh việc bỏ phế ngày càng tăng, gây lãng phí. Đây là bài toán cấp bách chưa có lời giải”.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, thừa nhận: “Nuôi cá tra bây giờ đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao, chỉ cần thua lỗ 1 vụ là ôm nợ ngập đầu.
Cái khó lớn nhất hiện nay là giá cá tra lên xuống thất thường, người nuôi và DN chưa thể gắn kết với nhau, vì vậy khi xảy ra sự cố người nuôi lãnh đủ. Do mọi bất lợi dồn về phía người nuôi nên số hộ bỏ nghề liên tục tăng, từ đó kéo giá đất nuôi cá tra ngày càng xuống thấp”.