(ĐTTCO) - Dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng nhiều khu đất vàng có vị trí đắc địa tại TPHCM đang rơi vào tình trạng lãng quên. Những khu đất giá trị hàng ngàn tỷ đồng này một thời từng được các nhà đầu tư săn lùng, xí chỗ nhưng sau đó lại rút lui với nhiều lý do.
“Vàng” bị phơi mưa nắng
Khu đất rộng trên 5.000m2 tại địa chỉ 27B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) là một thí dụ điển hình về sự lãng phí tài nguyên đất vàng ngay tại khu trung tâm TP. Theo tìm hiểu của ĐTTC, khu đất này trước đây do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) quản lý, khai thác. Năm 1994, VNA và Công ty S.M.I. Travel Company Limited (Thái Lan) thành lập Công ty liên doanh TNHH Khách sạn Hàng không Việt Nam, nhằm thực hiện hiện dự án kinh doanh khách sạn 4 sao đạt chuẩn quốc tế. Công trình triển khai ì ạch đến năm 1998 thì trùm mền. Cuối năm 2000, Công ty S.M.I. Travel Company Limited tháo chạy và chuyển nhượng phần vốn góp lại cho VNA, chấm dứt hoạt động liên doanh, từ đây khu đất chủ yếu trưng dụng làm bãi kinh doanh đỗ xe. Năm 2002, VNA tiếp tục ký hợp đồng thuê 5.006m2 đất tại 27B Nguyễn Đình Chiểu để đầu tư xây dựng khách sạn và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, trong thời hạn được xác định từ ngày 21-12-2000 đến ngày 30-7-2019. Một nguồn tin cho biết, đơn giá thuê đất chỉ 28.000 đồng/m2/năm, ổn định trong 5 năm, mức điều chỉnh mỗi lần không quá 15% trong vòng 20 năm. Đến nay, khu đất trên đang được Công ty IMG tham gia vốn để cải tạo và sửa chữa hiện trạng, kinh doanh cho thuê mặt bằng, bãi đỗ xe, bán cà phê trong thời gian chờ khởi động lại tổ hợp văn phòng - khách sạn - căn hộ cho thuê.
Tương tự, khu đất C30 rộng trên 40ha thuộc quận 10 và quận Tân Bình do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) quản lý đã sử dụng chưa hiệu quả. Khu C30 được phê duyệt quy hoạch để triển khai các dự án trung tâm thương mại, sản xuất kỹ thuật cao, kinh doanh, dịch vụ chuyên ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin... Dù vậy, trong một thời gian dài, những dự án trên chưa có dấu hiệu triển khai, khu đất rộng lớn nằm bất động, bên trong ngổn ngang nhà kho, ki ốt tạm bợ. Tại khu đất 164 Đồng Khởi (quận 1), UBND TPHCM cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Liên doanh Hong Kong Land và Sumitomo Realty & Development (được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án) chính thức rút lui sau nhiều năm đeo đuổi. Trong quá trình đàm phán, liên doanh này đề nghị TP phải đáp ứng 2 nội dung là cố định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khu B và xác định rõ thời gian hoàn thành công tác bồi thường để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. TP cho rằng 2 nội dung này đều không thể đáp ứng.
Trên trục đường Lê Duẩn (quận 1) hiện chỉ còn 1-2 khu đất trống có thể triển khai dự án phức hợp hạng sang, trong đó Lavenue Crown do CTCP Đầu tư Lavenue (liên doanh của CTCP Kinh Ðô, Công ty Đầu tư Mayflower và Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM) làm chủ đầu tư sở hữu một vị trí vô cùng đắc địa. Theo công bố của chủ đầu tư, Lavenue Crown là khu căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại. 3-4 năm trước, dự án được quảng bá rầm rộ thu hút sự chú ý của dư luận, song ghi nhận cho thấy dự án đang án binh bất động, có thể do hụt vốn.
Đấu giá 23 khu đất vàng trong năm nay
Nhiều năm qua, TPHCM đã chọn một số khu đất đắc địa nhất để phát triển các dự án quy mô lớn, đồng thời tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đền bù giải tỏa, hoàn tất mọi thủ tục liên quan đến xây dựng. Tuy nhiên, phần lớn dự án vẫn án binh bất động, không đầu tư theo đúng cam kết và gia hạn nhiều lần. Trong thời gian chủ đầu tư xoay xở vốn, nghe ngóng tín hiệu thị trường BĐS, quỹ đất vàng tại TPHCM đã bị sử dụng lãng phí, rất đáng báo động. Việc quỹ đất sử dụng sai mục đích không những gây mất mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, tình hình phát triển kinh tế, đô thị chung của TP.
Trong năm 2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã triển khai công tác đấu giá 28 khu đất với tổng diện tích 855.000m2. Trong đó, đã tổ chức bán đấu giá 7 khu đất với diện tích hơn 18.000m2. Dù nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, song chỉ có 3 khu rộng hơn 9.500m2 đã được đấu giá thành công với tổng giá trị 117 tỷ đồng và bàn giao cho đối tượng trúng đấu giá. Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho biết năm 2016 sẽ đấu giá 23 khu đất vàng thuộc các quận, huyện trên địa bàn. Các khu đất chưa hoàn tất thủ tục đấu giá năm 2015 sẽ chuyển sang năm 2016 là 14 khu với diện tích 95.400m2, bao gồm khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1. Cùng với đó là 9 khu đất được bổ sung đấu giá trong năm 2016 với diện tích gần 42.300m2 tại Thủ Đức (3 khu), quận 3, quận 1, quận 5, quận 7, huyện Bình Chánh (2 khu). Như vậy, tổng số khu đất dự kiến đưa ra bán đấu giá trong năm 2016 là 23 khu.
Một góc khu đất vàng 27B Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: LONG THANH |
Lâu nay, nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực vẫn muốn nhảy vào tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ, xí đất san nhượng kiếm lời mà không theo đuổi phát triển dự án đến cùng. Lấy thí dụ, trong năm 2015, khu đất tại 23 Lê Duẩn (quận 1) đã đấu giá thành công với số tiền 1.430 tỷ đồng. Thế nhưng, đối tượng trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh chỉ mới nộp 15% giá khởi điểm (giá khởi điểm là 558 tỷ đồng) và chưa hoàn tất việc nộp tiền trong khi thời gian quy định đã hết. Tân Hoàng Minh cũng đã có đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá, tổ chức bán đấu giá lại vì cho rằng phương án đấu giá có vấn đề. Qua sự việc này, cần xem lại toàn diện quy trình đấu giá, đặc biệt là khâu kiểm tra năng lực nhà đầu tư để tránh thiệt hại về sau.