Bước đi chủ động
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nhiều nước, lãnh đạo TPHCM sớm nhận diện rõ những mối nguy phát tán dịch bệnh, nhất là TPHCM có dân số đông nhất cả nước và là điểm đến của nhiều người nước ngoài.
Sau Tết Canh Tý 2020, khi phát hiện 2 ca mắc bệnh đầu tiên, thành phố chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành được xuyên suốt, xử lý kịp thời diễn biến thực tế, đều đặn vào cuối mỗi ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức giao ban với các sở ngành, quận huyện. Ít nhất vào thứ hai hàng tuần, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy đều tham gia giao ban để có những định hướng, chỉ đạo quan trọng.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thể hiện rất rõ khi có những hôm, tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại vào cuối ngày, lãnh đạo TPHCM chủ trì các buổi họp để truyền đạt kịp thời những yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương. Thông qua đó, những biện pháp mang tính đặc thù hoặc cách làm mang tính tiên phong được lãnh đạo TPHCM triển khai đến cơ sở.
Đồng chí Bí thư Thành ủy thường xuyên tham khảo, cập nhật tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại nhiều nước từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp đối với TPHCM. Yêu cầu triệt để của đồng chí Bí thư Thành ủy là thực hiện nguyên tắc phòng ngừa trước chữa bệnh, để hệ thống y tế của TPHCM không rơi vào tình huống “vỡ trận”.
Sự chủ động với những bước đi vững vàng về giải pháp cũng như quyết tâm phòng chống dịch Covid-19 của lãnh đạo TPHCM đã nhanh chóng được các ngành, các cấp, các địa phương cụ thể hóa và cho ra kết quả. Đơn cử, không lâu sau khi có chỉ đạo sớm thành lập các bệnh viện điều trị Covid-19 để chủ động cho TPHCM, cho vùng và cả nước, thì bệnh viện chuyên về điều trị Covid-19 đầu tiên ở TPHCM đã được thành lập (tại huyện Củ Chi, hoạt động từ ngày 10-2).
Quán triệt quan điểm chủ động phòng ngừa, các ngành, các cấp, các địa phương đã bắt tay ngay vào việc tổ chức khu cách ly tập trung. Nhờ vậy, lúc cao điểm có đến 27 chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chở hàng ngàn người từ nước ngoài trở về, nhưng TPHCM vẫn không bị động. Giải pháp “cắt nguy cơ nhập khẩu Covid-19 từ nước ngoài” đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thực hiện nhiệm vụ kép
Trong các giải pháp quan trọng mà TPHCM đã thực hiện, không thể không kể đến sự tập trung tuyên truyền, kêu gọi người dân thành phố chung tay phòng chống dịch. Theo đó, TPHCM sớm tổ chức tuyên truyền, yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và xử phạt những người ra đường mà không đeo khẩu trang.
Song song đó, TPHCM cũng thực hiện các giải pháp đảm bảo nhu cầu người dân như chỉ đạo cung ứng khoảng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải, cung cấp danh sách trên 1.000 điểm bán khẩu trang. Mặt khác, thành phố đã sớm chuẩn bị nguồn cung hàng hóa lớn từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… cho “15 ngày vàng chống dịch”. Điều này đảm bảo không xảy ra đứt gãy hàng hóa, nhất là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, giữ được sự ổn định tâm lý cho người dân.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh việc tập trung thực hiện theo phương châm “5 tại chỗ” và để ngăn chặn, phát hiện kịp thời, TPHCM đã chủ động lập 62 chốt kiểm soát bằng đường bộ ở các cửa ngõ, tầm soát tất cả những hành khách vào TPHCM bằng đường hàng không, đường sắt…
Cùng với đó, để chủ động trong duy trì hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã cụ thể hóa nội dung “đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch” bằng việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh trong các doanh nghiệp sản xuất. Bộ chỉ số với 10 chỉ số thành phần cụ thể, mà qua đó, mỗi doanh nghiệp đều dễ dàng biết được và điều chỉnh, hoặc khắc phục, để sản xuất an toàn với dịch Covid-19. Cách làm tiên phong này, trong một buổi giao ban trực tuyến về tình hình Covid-19 với các tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là bước đi mang tính chủ động, quyết liệt của TPHCM trước tình hình dịch Covid-19.
Từ bài học kinh nghiệm quan trọng này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tiếp tục ban hành các bộ tiêu chí trong hoạt động của chợ, siêu thị, du lịch, dịch vụ ăn uống và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông…, nhằm đảm bảo “chung sống an toàn” với dịch Covid-19.
Chính những bước đi bình tĩnh, tự tin qua những giải pháp vừa khoa học vừa thực tiễn, vừa trước mắt vừa lâu dài, đã giúp TPHCM đến nay về cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh. Kết quả trên là tiền đề quan trọng để TPHCM bước sang giai đoạn mới - giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kép khi vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.