(ĐTTCO) - Cặp đôi “lãi suất-tỷ giá” khó tách rời nhau khi tỷ giá có cơ chế điều hành mới theo tỷ giá trung tâm, nên lãi suất trong năm 2016 được dự báo khó có dư địa giảm thêm. Thực tế diễn biến gần đây cho thấy, hầu hết NH đều nâng lãi suất huy động dài hạn. Điều này cho thấy nhu cầu vốn trên thị trường đang ở mức cao.
Lãi suất huy động đẩy lên cao
Theo thông báo kể từ ngày 5-1 của VIB, khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng sẽ có cơ hội hưởng lãi suất lên tới 7,5%/năm, tương ứng lãi suất thưởng bằng tiền mặt lên tới 2%/năm. Tức khi gửi tiền khách hàng sẽ được cấp mã số và có cơ hội được cộng lãi suất thưởng mức cao nhất 2%, mức lãi suất khá hấp dẫn cho người gửi tiền. Trong khi hiện nay kỳ hạn 6 tháng và dưới 6 tháng ở một số NH khác chỉ dao động dưới 6%/năm, hoặc kỳ hạn dài trên 13 tháng mới lĩnh lãi 6,8-7%/năm. Bên cạnh đó để thu hút khách hàng, VIB còn cộng thêm 0,15%/năm lãi suất khi gửi tiết kiệm điện tử kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng so với lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tương ứng tại NH.
Không chỉ VIB, các NHTMCP khác cũng đưa ra nhiều chương trình với mức lãi suất huy động cao hơn so với trước đây. Ngày 8-1, Eximbank công bố chương trình mới với lãi suất kỳ hạn dài trên 15 tháng ở mức cao nhất trên thị trường. Cụ thể, khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng sẽ nhận lãi suất từ 7,2-7,3%/năm; từ 1 tỷ - dưới 10 tỷ đồng lãi suất 7,4-7,5%/năm và trên 10 tỷ đồng nhận lãi 7,5-7,6%/năm. Nếu so với mặt bằng chung, mức lãi suất này khá thiết thực và kích thích người gửi tiền.
Như vậy kể từ tháng 12-2015, các NH liên tục tăng lãi suất huy động nhiều lần bên cạnh các chương trình gửi tiền nhận quà. Nhiều mức lãi suất được tăng thêm cao hơn hẳn mặt bằng chung của các nhà băng khác, như VPbank áp dụng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các NH khác đang ở mức 5,4-5,6%/năm. Sự cạnh tranh lãi suất tiền gửi không chỉ ở nhóm các NHTMCP, các ông lớn có cổ phần nhà nước cũng vào cuộc mạnh mẽ. Chẳng hạn BIDV nâng lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,8% ở các kỳ hạn 1-3 tháng.
Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần đầu tiên năm 2016, lãi suất liên NH đã tăng tuần thứ 8 liên tiếp và ở mức cao nhất 2 năm qua. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,2% lên mức 5,3%/năm, trong khi các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần đều tăng đồng loạt 0,8% lên mức 5,5%/năm. Điều này cho thấy mức lãi suất liên NH cao là tín hiệu căng thẳng cục bộ về thanh khoản trong hệ thống. Vào thời điểm cuối năm, các NH thường có tâm lý thận trọng và gia tăng dự trữ nhằm đảm bảo nhu cầu thanh khoản tăng cao. Sự căng thẳng thanh khoản do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ cuối năm, còn thể hiện ở việc NHNN đã bơm ròng qua kênh OMO với khối lượng vốn lớn đạt 16.129 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu về thanh toán của các NH.
Khó giảm lãi suất
Trong cuộc họp đầu năm, NHNN đã đưa ra thông điệp khả năng giảm lãi suất cho vay rất khó. NHNN cũng nhận định ảnh hưởng của yếu tố lạm phát sẽ khó lường trong năm 2016 nên lãi suất cũng khó có dư địa giảm thêm. Trong khi đó, chính sách điều hành tỷ giá theo cơ chế mới đã được đưa ra ngay ngày đầu tiên của năm. Khi cơ chế tỷ giá được điều chỉnh hàng ngày linh hoạt theo thị trường, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng trong năm 2016 tiền đồng sẽ mất giá nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm.
Ngoài nguyên nhân tỷ giá còn một loạt nguyên nhân khác khiến việc giảm lãi suất sẽ gặp không ít khó khăn. Đó là năm 2015 tăng trưởng tín dụng lên đến 18%, trong khi tăng trưởng huy động chỉ khoảng 16%. Tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất những năm gần đây do sự phục hồi của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu vốn tăng khá mạnh. Nhiều dự báo cho rằng 2016 là năm nền kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng tốt và nhu cầu vốn vẫn được mở rộng, khiến lãi suất trên thị trường khó giảm.
VIB là một trong những NH đẩy lãi suất huy động cùng với nhiều loại hình khuyến mại lên mức cao nhất. |
Đồng thời, một yếu tố quan trọng khác là rủi ro và chi phí trong hệ thống NH Việt Nam quá lớn. Ở các nền kinh tế phát triển, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động thường chỉ 2-3%, bởi thông tin trên thị trường tài chính khá minh bạch và chi phí quản lý NH thấp. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất ở các NH Việt Nam thường duy trì ở mức 3-4% do thông tin thị trường thiếu minh bạch và chi phí vận hành hệ thống khá lớn, nhằm bù đắp rủi ro nợ xấu của NH.
Rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý lãi suất đi ngược yếu tố lạm phát, nhưng những phân tích trên cho thấy lãi suất cao cũng có lý do chính đáng. Như vậy, chặng đường giảm lãi suất sẽ gặp không ít gian nan. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng chỉ cần tạo ra môi trường tài chính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, lãi suất sẽ tự động giảm về mức hợp lý theo cơ chế thị trường.