Báo SGGP tiếp tục giới thiệu ý kiến của người từng là F0 trải qua giây phút tận cùng lo sợ, của người có người thân mất vì Covid-19 và người tham gia phòng chống dịch, đã chứng kiến những hiểm nguy khốc liệt của dịch bệnh.
Chăm lo trẻ có ba, mẹ mất vì Covid-19 để giúp các em có cuộc sống đủ đầy hơn
Tôi đã từng rơi vào tận cùng lo sợ khi cả gia đình mắc Covid-19. Khi ấy, mỗi khi hay tin gia đình người quen có F0, rồi có người mất vì Covid-19, nỗi sợ trong tôi càng lớn dần. Mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này là gia đình mình đi 5 về đủ 5; mong sự an lành đến với mọi người, mọi nhà và dịch bệnh mau kết thúc…
Có lẽ, bất kỳ ai cũng sẽ bàng hoàng, lo lắng, rối bời khi mình hay người thân mắc Covid-19. Với tôi, mọi thứ càng đảo lộn khi cùng lúc bản thân, ba mẹ già và 2 con nhỏ đều là F0.
Dù có sự chuẩn bị tinh thần nếu chẳng may mình trở thành F0, nhưng tôi vẫn ngã quỵ. Đầu óc quay cuồng khi các mẫu test lần lượt xuất hiện 2 vạch đỏ. Sau lúc bấn loạn, tôi bình tĩnh sắp xếp lại mọi thứ. Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine nên tình huống xấu nhất có lẽ không xảy ra với mình. Điều tôi lo ngại là 2 con còn nhỏ, lại có bệnh nền, ba mẹ lớn tuổi, nguy cơ chuyển nặng sẽ cao.
Sau hai ngày theo dõi, điều trị tại nhà, tôi xin nhập bệnh viện (BV) dã chiến quận vì mẹ và 2 con nhỏ sốt li bì. Những dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, sốt cao, chân tay nổi ban đỏ xuất hiện với con gái 13 tuổi của tôi. Những cuộc gọi trao đổi với bác sĩ về bệnh tình của con, xin ý kiến dùng thuốc; những cuộc thăm khám bất thường của bác sĩ khi con tôi cứ mãi lừ đừ; những ống máu được rút ra để làm xét nghiệm; những đêm thức trắng lau mát, cho con uống thuốc hạ sốt, vỗ con uống ngụm sữa… khiến tôi kiệt sức. Nhưng điều tôi lo lắng nhất chính là phải tách một thành viên nào đó ra để chuyển tuyến trên. Chuyện ấy cũng phải đến bởi sau 7 ngày theo dõi, con gái tôi không giảm các triệu chứng mà dấu hiệu ngày càng tăng nặng. Nửa đêm, khi trời đang mưa nặng hạt, tôi gửi lại cha mẹ già cùng đứa con hơn 2 tuổi cho y, bác sĩ tại BV dã chiến, còn mình theo xe cứu thương đưa con gái lớn chuyển tuyến trên.
Lòng rối bời, đầy lo sợ, nhưng tôi cố gắng bình tĩnh, động viên con mọi việc sẽ ổn, rồi cả nhà sẽ đoàn tụ. Đó là niềm tin chúng tôi luôn nghĩ đến trong những ngày chiến đấu với căn bệnh này.
Niềm vui sum họp, dù ở nơi đâu cũng đều hạnh phúc. Khi 5 thành viên trong gia đình tôi từ 2 hướng điều trị, theo dõi sức khỏe được chuyển về cùng BV dã chiến thu dung số 11 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) để tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19, đó cũng là lúc tôi tin mình sắp chiến thắng. Được gặp lại nhau, sức mạnh tinh thần của mỗi người như được tăng lên, cộng thêm sự chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sĩ, sự chăm lo ăn uống, thăm hỏi của các tình nguyện viên đã giúp chúng tôi phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Hạnh phúc vỡ òa khi ngày ra viện, thành viên gia đình tôi vẫn đủ 5.
Những cuộc gọi điện chúc mừng, những tin nhắn chia vui của bạn bè, người thân, đồng nghiệp tiếp nối đến. Cũng từ đó, tôi hay tin nhiều gia đình bạn bè không được may mắn như tôi. Có người mất ba, có người mất mẹ, có người mất anh chị em, thậm chí có gia đình mất cùng lúc 3, 4 người thân trong cuộc chiến khốc liệt này. Dẫu biết, cuộc chiến nào cũng có thương vong và trong cuộc chiến với Covid-19, đâu phải ai cũng may mắn vượt qua, nhưng tôi vẫn đau nhói lòng mỗi khi nghĩ đến. Lòng càng quặn thắt khi ngày họ ra đi không người thân nào có thể đến tiễn đưa hay nhìn mặt lần cuối.
Có trải qua mới thấy sự khốc liệt, bởi có những ca, mới đó còn cười nói, chỉ vài giờ sau đã nghe tin dữ!
Tôi khâm phục và biết ơn các y, bác sĩ, các tình nguyện viên ngày đêm chăm sóc người bệnh. Có người nhiều tháng ròng rã chưa được một ngày nghỉ ngơi, hay tin người thân mất vẫn nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào lòng để hoàn thành nhiệm vụ. Có những chiến sĩ, bác sĩ lao mình vào cuộc chiến giành giật sự sống cho người dân, nhưng mình mãi nằm xuống.
Tôi không thể quên những hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, những người tham gia tuyến đầu chống dịch và cũng không dễ dàng quên những mất mát đồng bào đã trải qua. Vậy nên, có một ngày để tất cả người dân cùng tri ân, tưởng niệm các chiến sĩ, đồng bào đã mất vì Covid-19, theo tôi là điều nên làm. Thông qua đó, cũng sẽ giúp thân nhân người đã nằm xuống vì dịch bệnh thấy ấm lòng và xích lại gần nhau hơn.
Ông TRẦN QUANG TUẤN, Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng khu phố 6 (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM): Kịp thời xoa dịu những mất mát Trong suốt 4 tháng đợt dịch Covid-19 thứ tư hoành hành, tất bật với nhiều công việc trong tổ Covid cộng đồng ở cơ sở, tôi cảm nhận rõ nỗi đau của những người xung quanh mình đã mất người thân vì đại dịch. Người mẹ của cậu bảo vệ dân phố khu phố tôi, nhà ở quận 4; người vợ của anh bạn cựu chiến binh hay bác cựu trưởng khu phố tôi… đã ra đi vì dịch Covid-19. Cho đến bây giờ, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng mỗi ngày TPHCM vẫn phải đón nhận những tin buồn do đại dịch gây ra. TPHCM đã trải qua những gian nan, khắc nghiệt nhất, giành lại sự sống và bình yên cho người dân. Nhưng vẫn có những mất mát, hy sinh quá lớn, hàng ngàn người mãi nằm xuống trong trận chiến không có tiếng súng này. Nhiều gia đình không thể làm tang lễ cho người thân mất vì Covid-19 nên không khỏi mang tâm lý áy náy. Vậy nên, đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là một đề xuất giàu tính nhân văn, cần sớm thực hiện để kịp thời xoa dịu nỗi đau của những gia đình có người thân mất vì Covid-19. Tôi đề xuất lấy ngày 30-9, là ngày TPHCM - nơi có hơn 15.500 nạn nhân mất vì Covid-19 - kết thúc giai đoạn khốc liệt nhất của dịch bệnh, từng bước nới lỏng giãn cách và phục hồi kinh tế, làm ngày tưởng niệm. Đây là cột mốc quan trọng của thành phố, cho thấy sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu được đền đáp. Là cột mốc để người dân tin rằng từ đây, những mất mát, đau thương sẽ dần vơi đi. Để nỗi đau vơi đi phần nào Đến giờ, tôi vẫn chưa thể chấp nhận mất mát quá lớn mà gia đình đang gánh chịu. Nó đến nhanh quá, khiến chúng tôi chưa kịp chuẩn bị tâm lý để đón nhận. Chỉ trong 3 ngày liên tiếp, tôi mất đi 3 người thân yêu vì Covid-19. Tối hôm trước mẹ tôi mất, chiều hôm sau chồng tôi cũng ra đi. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi trưa hôm kế tiếp, chị tôi cũng qua đời vì dịch bệnh. Chứng kiến từng người thân yêu ra đi, tôi chỉ biết bất lực đứng từ xa nhìn, cũng không có cơ hội lo đủ phận sự của người con, người vợ, người em. Ngày trước, tôi cứ nghĩ dịch bệnh còn ở đâu xa lắm, rồi nó ập đến bất ngờ khiến mình trở tay không kịp. Lúc mẹ tôi bệnh, rồi đến chồng và chị tôi, cả nhà cứ nghĩ sẽ khỏi. Chỉ đến khi từng người thân lần lượt ra đi, tôi mới thấm hết nỗi đau nhiều gia đình như mình gặp phải. Người thân ra đi là mất mát lớn của mỗi người. Mất vì dịch và trong thời điểm như thế này càng làm nỗi đau thương tăng lên. Tôi đọc báo, xem đài thấy con số tử vong vì dịch đã lên số hàng chục ngàn, trong đó có rất nhiều y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng tuyến đầu đã hy sinh. Nỗi mất mát, đau thương của gia đình mình quá lớn, nhưng tôi biết nhiều gia đình có số người tử vong còn cao hơn, nhiều y, bác sĩ đành bỏ lại con thơ lên đường chống dịch rồi mãi nằm xuống. Nỗi đau chung ấy, biết lấy gì bù đắp cho được(?!). Nếu có một ngày chung để tưởng niệm, hướng về những chiến sĩ, người dân đã mất do dịch thì đó là điều rất quý. Ngày ấy sẽ giúp những gia đình như tôi thấy ấm áp hơn, để nỗi đau được vơi đi phần nào. Chúng tôi sẽ cùng nhau hướng về người thân, cùng cầu nguyện để những người mãi ra đi được yên lòng. PHƯƠNG THÚY, phường 8, quận 4, TPHCM |