Ngày 16-10 vừa qua, giá dầu thô giảm mạnh xuống dưới 80USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6-2012. Không ít chuyên gia kinh tế bắt đầu bày tỏ sự quan ngại về hiện tượng trên bởi giá dầu thô sụt giảm thời gian qua phần nào phản ánh sự trì trệ của nền kinh tế thế giới.
Ông Francis Perrin, Giám đốc điều hành Tạp chí Chiến lược và chính sách năng lượng của Pháp, đã đưa ra một số nguyên nhân khiến thị trường dầu thô thế giới hạ nhiệt. Về cầu, sức tiêu thụ của thế giới thấp hơn dự kiến, không tăng mạnh như các dự báo trước đây. Điều này cho thấy một thực tế đáng ngại là tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới chậm lại. Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính.
Các chương trình kích thích kinh tế của Brussels mang lại kết quả chậm hơn nhiều so với mong muốn. Dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng eur (eurozone) trong năm 2014 chưa đầy 1%. Đây là mức tồi tệ nhất trong 5 năm qua. Thậm chí đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức cũng bắt đầu tỏ dấu hiệu mệt mỏi, dưới tác động của khủng hoảng kéo dài.
Nhìn sang châu Á, chủ yếu là Đông Á, đứng đầu là Trung Quốc, các dự báo đều nói tới một sự tăng trưởng chậm lại. Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới liên tục bắn đi những tín hiệu không mấy khả quan. Từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến Ngân hàng Thế giới (WB), hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều giảm dự báo tăng trưởng của khu vực.
Những hứa hẹn tươi sáng từ chính sách vực dậy kinh tế Nhật Bản do Thủ tướng Abe đề xướng hãy còn mong manh. Việc IMF liên tục dự báo nền kinh tế thế giới giảm dẫn đến thực tế Cục Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trên thế giới xuống mức 100.000 thùng/ngày, kéo theo sự hạ giá không tránh khỏi.
Lý do thứ hai và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất, đó là về phía cung. Các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô vẫn cung ứng đầy đủ dầu cho quốc tế, bất chấp nhiều bất ổn về địa chính trị trong thời gian gần đây như Iraq, Syria, Ukraine... Thứ ba, không những sản lượng dầu thừa sức đáp ứng các nhu cầu của thế giới, các nhà sản xuất còn đang liên tục tăng mức cung khi Bắc Mỹ đang từng bước trở thành một nguồn cung quan trọng với nguồn dầu đá phiến từ Hoa Kỳ và Canada.
Dầu thô giảm mạnh, dấu hiệu đáng lo cho kinh tế thế giới. |
Trong hoàn cảnh như vậy, Ả Rập Saudi, “anh cả” của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã khẩn trương điều chỉnh chính sách dầu mỏ, bắt đầu tranh giành thị phần trên các thị trường thu mua có mức giá thấp. Ả Rập Saudi công khai bán phá giá, trong tháng vừa qua đã 2 lần giảm giá dầu cho các khách hàng châu Á. Ả Rập Saudi dự định bù lỗ bằng cách tăng khối lượng giao hàng.
Một số chuyên gia còn cho rằng việc giá dầu thô giảm có thể do mưu đồ của Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi muốn dùng dầu thô là một loại vũ khí trong cuộc chiến chính trị và kinh tế. Nga và Iran, cả 2 đang cùng bị cấm vận quốc tế. Moscow trừng phạt vì là đồng minh của Syria, còn Iran thì từ lâu nay vẫn là một cái gai trong mắt. Vừa qua, tờ Wall Street Journal của Hoa Kỳ nhận định Ả Rập Saudi ghìm giá vàng đen để bóp chết Iran cả về kinh tế lẫn chính trị.
Người “anh cả” này ý thức được rằng giá dầu thấp càng làm giảm bớt trọng lượng của Iran trong khối OPEC nhất là vào thời điểm quốc gia Hồi giáo này không có khả năng để tăng sản lượng dầu cung cấp cho thế giới.
Dù với bất kỳ lý do gì, việc giá dầu giảm khiến nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi mừng thầm bởi trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, một cơn sốt giá dầu thô sẽ gây thêm thảm họa khó lường cho nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu giảm là một tin vui, nhưng chắc chắn niềm vui đó không trọn vẹn vì sự sụt giảm này phản ánh sự kém cỏi về tăng trưởng thế giới.