Dấu tích lịch sử - văn hóa Sài Gòn

(ĐTTCO) - Nếu phải chọn một nơi trên đất Sài Gòn - TPHCM chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, bao gồm cả chiều dài văn hóa hơn 300 năm của mảnh đất này, đó phải là đường Đồng Khởi. 

Bởi trên con đường hơn 150 tuổi này là những công trình văn hóa lâu đời, như cụm Nhà hát Lớn TP, khách sạn Continental và Caravelle.

Truân chuyên Nhà hát Lớn

Dấu tích lịch sử - văn hóa Sài Gòn ảnh 1 Nhà hát Lớn Thành phố. 

Nhà hát lớn Sài Gòn được khởi công xây dựng từ năm 1898. Ðầu năm 1900, nhà hát được khánh thành trọng thể. Kiến trúc của Nhà hát Lớn Sài Gòn đối trọng với Nhà hát Lớn Hà Nội (xây dựng năm 1911, kiến trúc theo mẫu Opéra Garnier tại Paris, 900 chỗ ngồi). Nhà hát Sài Gòn giữ riêng nét đặc thù theo lối kiến trúc “flamboyant” của thời Đệ tam Cộng hòa Pháp. Cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais cất cùng năm tại Pháp. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng.

Ngoài tầng trệt còn 2 tầng lầu tổng cộng 1.800 chỗ ngồi. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua. Tuy nhiên, mặt tiền của nhà hát được trang trí bằng nhiều phù điêu và tượng đắp nổi, nên bị chỉ trích rườm rà và rối rắm. Vì vậy năm 1943 một số chi tiết trang trí này đã bị dỡ bỏ nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc.

Năm 1954, Nhà hát Lớn được sử dụng làm nơi ở tạm trú cho người dân từ miền Bắc di cư vào miền Nam theo Hiệp định Genève chia cắt đất nước. Năm 1955, Nhà hát được chuyển công năng thành tòa nhà Quốc hội, rồi Hạ nghị viện sau đó của chế độ cũ.

Sau năm 1975, Nhà hát Lớn TP là nơi chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cũng như những sự kiện lớn của TPHCM và cả nước. Năm 1998, kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM, Nhà hát được đóng cửa để phục chế lớn, trả lại nguyên trạng như ban đầu.

Trải qua hơn 100 năm, Nhà hát Lớn TP thay đổi nhiều lần từ công năng cho đến nhan sắc của công trình, giống như một nàng thiếu nữ đẹp nhưng cuộc đời lại lắm truân chuyên.

Continental - Khách sạn đầu tiên đất Nam Kỳ

Dấu tích lịch sử - văn hóa Sài Gòn ảnh 2 Khách sạn Continental. 

Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam và mở toang cửa ngõ đi vào các nước Đông Dương, họ cũng mở ra một trục du lịch mới ở Viễn Đông.

Đặc biệt, việc phát hiện ra quần thể Angkor ở Campuchia năm 1860 gây sửng sốt cho cả thế giới, nhu cầu du lịch, khám phá Đông Dương trong giới quý tộc, giàu có Pháp tăng cao, đã  khiến Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nảy ra ý định phải xây một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn để đón những khách hàng người Pháp lắm tiền nhiều của.

Họ cần có nơi dừng chân sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ mẫu quốc, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm thuộc địa.

Ông ta đã chọn lô đất đắc địa nằm giữa các bến cảng và thánh đường, thông qua con đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) vốn là trục đường trung tâm huyết mạch, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất kéo xuống bờ sông. Sau 2 năm khởi công, khách sạn Continental hoàn thành vào giữa năm 1880, cùng lúc với Nhà thờ Đức Bà, trở thành khách sạn đầu tiên của đất Nam Kỳ.

Đã có rất nhiều người nổi tiếng đến ở trong khách sạn này, từ ông hoàng nước Nga cho đến vũ công nước Pháp; từ thi hào Tagor, nhà văn Andre Malraux, Somerset Maugham, đến diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss...

Có 2 căn phòng rất đặc biệt trong khách sạn là phòng 214, nơi nhà văn người Anh Graham Greene trong thời gian lưu trú dài hạn đã thai nghén ý tưởng và viết phần lớn tác phẩm nổi tiếng "Người Mỹ trầm lặng", câu chuyện về buổi giao thời của người Pháp và Mỹ tại Sài Gòn. Và phòng 307, nơi Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn từng lưu trú khá dài.

Trải qua gần 140 năm, kiến trúc của khách sạn không thay đổi đáng kể. Vẫn giữ nguyên chiều cao khiêm tốn chỉ 1 trệt, 3 lầu. Dù có chút thay đổi về cửa sổ nhưng phong cách vẫn như cũ với màu trắng sang trọng ngày xưa.

Caravelle và các dấu ấn

Dấu tích lịch sử - văn hóa Sài Gòn ảnh 3 Khách sạn Caravelle. 

Caravelle được xây dựng năm 1957, khai trương năm 1959. Với 10 tầng, cao nhất trong các khách sạn thời đó, có 335 phòng sang trọng cùng nhiều cafe - bar, nhà hàng... Caravelle có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tiện nghi như điều hòa, bể bơi, sàn lát đá cẩm thạch nhập từ Italia.

Đặc biệt, cửa sổ khách sạn được lắp kính chống đạn. Caravelle được đánh giá là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất của "Hòn ngọc Viễn Đông", là nơi tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khi đến Sài Gòn.

Giai đoạn 1960-1975 đầy khốc liệt với chiến tranh Việt Nam. Khi đó Caravelle là nơi các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đặt văn phòng làm việc như Life, hãng thông tấn AP, đài truyền hình CBS. Tầng 1 là nơi các chính khách, tầng lớp thượng lưu thường lui tới gặp gỡ bàn chuyện thời sự.

Từ sân thượng tầng 10, các nhà báo có thể quan sát những cuộc biểu tình, sự kiện lớn diễn ra trước Nhà hát Lớn hoặc Dinh Độc Lập. Khu vực Reflections Fine Dining và Martini Bar là nơi Đài truyền hình CBS của Mỹ từng đặt văn phòng.

Sau khi thu xong một đoạn phóng sự, CBS cho người cấp tốc ra phi trường Tân Sơn Nhất, gửi hộp phim nhựa theo một chuyến bay gần nhất của hãng Pan Am hoặc United Airlines đem về Mỹ phát sóng. Năm 2001 đây còn là phim trường của đoàn làm phim "Người Mỹ trầm lặng" của đạo diễn nổi tiếng Hollywood Phillip Noyce.

Sau năm 1975, khách sạn đã vinh dự đón tiếp rất nhiều vị khách nổi tiếng đến từ khắp nơi trên thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Công chúa nước Anh Anne, những ngôi sao màn bạc nổi tiếng.

Ngày nay khách sạn Caravelle 10 tầng cũ đã có thêm cao ốc hiện đại 24 tầng sát cạnh, với kiến trúc hiện đại mang nét sang trọng lộng lẫy nhưng hòa hợp với nét đẹp duyên dáng cũ.

Các tin khác