Phiên giao dịch ngày 19/1 ghi nhận hàng loạt kỷ lục được phá trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index liên tục lao dốc, có lúc mất gần 75 điểm trước khi hồi phục dần và đóng cửa với mức giảm 60,94 điểm (-5,11%), xuống 1.131 điểm với 44 mã tăng và 437 mã giảm (112 mã giảm sàn). Đây là phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị tuyệt đối trong 20 năm qua. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 986,1 triệu đơn vị, giá trị 20.363,2 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên ngày 18/1. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 63 triệu đơn vị, giá trị 2.389 tỷ đồng.
Mức giảm 5,11% trong phiên giao dịch đã đưa VN-Index trở thành thị trường có biến động "tệ" nhất châu Á trong phiên 19/1. Vốn hóa sàn HoSE sau phiên 19/1 cũng bị "thổi bay" hơn 225.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 9,7 tỷ USD).
Rổ VN30 ghi nhận VRE được kéo mạnh, đóng cửa giảm nhẹ 0,13% xuống 37.300 đồng. Cùng được kéo lên đôi chút có REE -2% xuống 52.800 đồng, NVL -2,4% xuống 70.000 đồng. Còn lại các mã khác đều giảm sâu. Trong đó, VJC, SAB, SBT, VCB, VHM, MSN, VNM mất từ 3 đến 5%; MWG, KDH, PLX, PNJ, EIB, GAS, TCB, FPT, HPG mất từ 5% đến 6,7%.
Trong khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng của nhà đầu tư trong nước khiến thị trường cắm đầu đi xuống, thì khối ngoại lại khá tích cực khi quay ra mua ròng gần 130 tỷ đồng.
Trên sàn giao dịch HOSE, khối ngoại đã mua vào với khối lượng 63,49 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.502,37 tỷ đồng, tăng 50,84% về lượng và 79,95% về giá trị so với phiên giao dịch đầu tuần ngày 18/1.
Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào với khối lượng 4,24 triệu đơn vị với tổng giá trị 91,57 tỷ đồng, đều tăng hơn 150% cả về lượng và giá trị so với phiên đầu tuần ngày 18/1.
Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 19/1, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4,28 triệu đơn vị, giảm tới hơn 75% so với phiên ngày 18/1. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 126,89 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó bán ròng 621,23 tỷ đồng.
Cần trang bị kiến thức như một thứ vũ khí để bảo vệ mình
Dù thị trường vừa trải qua phiên điều chỉnh mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư "F0" e sợ nhưng theo nhiều chuyên gia lâu năm thì đây là điều cần thiết để giúp thị trường bền vững hơn khi đã tăng trưởng khá "nóng" trong thời gian qua.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế-tài chính, trong bối cảnh, xu hướng mới, yêu cầu mới, cơ hội-thách thức mới, nhà đầu tư cần lưu ý lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, vì thế cần đầu tư theo “khẩu vị rủi ro” của mình; phải xác định rõ mục đích đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, không dùng đòn bẩy quá nhiều; tránh tâm lý “bầy đàn”, theo phong trào. Hãy là nhà đầu tư thông thái và/hoặc thông qua tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý cần lưu ý đối với tình trạng dòng tiền đang ồ ạt đổ vào chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm, số lượng tài khoản F0 nhà đầu tư mở mới cao kỷ lục.
“Bài toán đặt ra cho Việt Nam là mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá chưa chắc tốt mà cần đảm bảo hài hòa cho các bên, cả người gửi tiền, người vay tiền và vấn đề điều hành vĩ mô. Nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy bong bóng tài sản”, ông Lực nêu quan điểm.
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, hiện các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hầu như chỉ lướt sóng. Số lượng nhà đầu tư mới quá nhiều nên kiến thức, kinh nghiệm đầu tư còn hạn chế. Do đó, rủi ro “đu dây điện”, thua lỗ là rất cao.
“Nhà đầu tư cần trang bị kiến thức như một thứ vũ khí để bảo vệ mình, cũng như có tâm lý vững vàng trong các điều kiện thị trường. Cụ thể, cần học các kỹ năng phân tích đầu tư, quan sát dòng tiền để có thể nhận diện được cổ phiếu nào đang có tiềm năng thu hút dòng tiền và cổ phiếu nào đang bị rút dòng tiền”, ông Phan Dũng Khánh khuyến nghị.
Về phía cơ quan quản lý, ông Khánh cho rằng, Nhà nước cần đưa ra những cảnh báo và hướng dòng tiền chảy vào khu vực sản xuất nhiều hơn thay vì chảy vào các tài sản tài chính. Khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn thì thị trường tự khắc sẽ bền vững. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động giảm xuống mức thấp. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại giảm chậm hơn và chủ yếu hướng đến các lĩnh vực ưu tiên, trong khi thủ tục để được vay vốn cũng khó khăn hơn, việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ cũng rất gian nan.
“Thời gian tới, lãi suất có thể không cần hạ nhiều nữa nhưng cần hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ cần đến để khôi phục kinh tế. Đây là giải pháp lâu dài chứ không thể thay đổi ngay trong ngắn hạn được”, ông Phan Dũng Khánh nêu ý kiến.