TPHCM với dân số thực tế hơn 10 triệu người, phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy, tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra. Nếu không giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng. TPHCM có các quốc lộ nối với nhiều tỉnh thành xung quanh như Quốc lộ 22, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K nhưng quá tải và chưa được đầu tư đúng mức. Nếu không sớm triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn cho TPHCM.
Bên cạnh đó, TPHCM đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3; hoàn thành Vành đai 2. Trong quy hoạch, TPHCM sẽ có 6 đường cao tốc, kết nối với các tỉnh thành xung quanh. Tuy nhiên hiện nay mới hình thành được 2 tuyến, là cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây và TPHCM- Trung Lương, tuy nhiên đến nay những tuyến cao tốc này cũng bắt đầu quá tải.
Tuyến cao tốc Bến Lức- Long Thành hiện nay Bộ GTVT đang triển khai khẩn trương, theo kế hoạch cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 sẽ hoàn thành. Riêng 3 đường cao tốc còn lại, gồm TPHCM- Tây Ninh; TPHCM- Chơn Thành; Biên Hòa- Vũng Tàu, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương nghiên cứu nhưng cái khó hiện nay là thiếu kinh phí.
Về giao thông đô thị, TPHCM là đô thị đông dân nhất, lớn nhất và ùn tắc giao thông lớn nhất. Do đó khi tuyến metro đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần giải quyết phần nào ùn tắc. Do đó, Chính phủ các Bộ ngành trung ương ủng hộ TPHCM sớm hoàn thành dự án metro số 1 và tiếp theo là các tuyến metro còn lại để phát triển hệ thống giao thông.
Bộ GTVT kiến nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính nếu cân đối được nguồn thì tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ hỗ trợ 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Nếu chúng ta để 2-3 năm nữa có thể kinh phí sẽ tăng lên 5.000-7.000 tỷ đồng. Kiến nghị Chính phủ ghi vốn cho nhiệm kỳ tới nhưng cho TP ứng trước để triển khai, nếu chúng ta giải phóng mặt bằng trước sẽ rất thuận lợi.
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tuần qua với TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM; đồng thời cho phép TP tạm ứng ngân sách TP để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; ngân sách trung ương sẽ bố trí hoàn trả cho TP theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạng giai đoạn 2016-2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
Về kiến nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện chủ trương đầu tư, bố trí ngân sách để triển khai các hạng mục ban đầu. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự cần thiết TPHCM phải phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực mới cho TPHCM phát triển trong những năm tiếp theo bên cạnh các cơ chế chính sách khác.