Những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng loạt trái cây thu hoạch từ các tỉnh miền Tây bị tắc nghẽn tại biên giới phía Bắc phải đắng lòng đổ bỏ vì không xuất khẩu được, nhất là trái thanh long. Với diện tích thanh long lớn nhất cả nước (hơn 32.000ha), tỉnh Bình Thuận đạt sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm. Thế nhưng, số kho lạnh nông sản trên địa bàn tỉnh chỉ 310 kho, sức chứa khoảng 16.000 tấn. Đây là con số rất nhỏ so với năng lực trồng trọt của địa phương.
“Nếu tỉnh có kho lạnh dịch vụ xây dựng tại vùng nguyên liệu để chủ động trong kế hoạch sản xuất, xuất khẩu sẽ giúp cho bà con nông dân rất nhiều. Từ đó chúng tôi có thể xây dựng kế hoạch sản xuất theo tiêu chí từng tháng, quý nhằm đảm bảo xuất khẩu tươi và đưa vào chế biến, bảo quản. Nhưng điều kiện quan trọng nhất lại thiếu, đó là vốn và cơ chế”, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, giãi bày.
Trong khi đó, cũng dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên, tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), những xe container sắp lớp “ăn hàng” nông sản, nhất là chuối, chở xuống cảng Quy Nhơn hoặc cảng Cái Lái do Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai trồng trọt để liên tục xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Hàng ngàn hécta chuối của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai được thực hiện theo một quy trình khép kín: chuối thu hoạch tại vườn, đem vào nhà xưởng chế biến, tổ chức đóng gói và đưa vào kho lạnh. Nhờ có kho lạnh, trái chuối được bảo quản 1,5 tháng ở nhiệt độ 14oC, vì vậy mà thoải mái chuyên chở đi khắp thế giới, chủ động xuất khẩu.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi bị bế tắc vì gặp khó khăn trong việc vận chuyển, phải chịu thiệt vì thiếu kho lạnh. Để thích ứng với thay đổi từ dịch bệnh, một số doanh nghiệp buộc phải đầu tư bài bản, như trường hợp Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu phải vay vốn để đầu tư, khởi công xây dựng khu nhà máy chế biến tại tỉnh Đắk Lắk với diện tích hơn 10ha, có thể dự trữ khoảng 20.000 tấn sầu riêng.
Dự kiến, cuối năm 2022, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động. Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty, sầu riêng chỉ có mùa vụ 6 tháng, nên kho lạnh dự trữ là bài toán cốt lõi để sử dụng chế biến trong thời gian trái vụ.
Miễn tiền thuê đất, miễn lãi vay
Thực tế cho thấy, chỉ các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp mới có đủ năng lực đầu tư xây dựng kho lạnh. Việc đầu tư kho lạnh để kinh doanh không hề đơn giản, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đã xây dựng kho lạnh hiện đại tại tỉnh Long An và Hưng Yên, đại diện Tập đoàn kho lạnh AJ Total Việt Nam cho rằng, cái khó chính là nhu cầu trữ lạnh nông sản theo mùa.
Theo ông Lê Minh Phụng, Giám đốc Kinh doanh tập đoàn này, sẽ rất khó với nhà đầu tư kho lạnh cho thuê chuyên nghiệp, vì không thể chỉ lưu theo mùa vụ trong vài tháng; nếu kho đang lưu hàng khác thì vào mùa lại không có kho trống để nhập hàng mới. Cái khó thứ hai là giá thuê đất làm kho lạnh tại khu công nghiệp cao, chi phí đầu tư lớn, thời gian xây dựng lâu hơn so với kho thường, giá điện theo giá dịch vụ, giá cho thuê thấp nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà.
Theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nếu đầu tư kho lạnh theo công nghệ Đức, bảo quản thường thì trái thanh long giữ được 1 tháng, dùng công nghệ hiện đại sẽ bảo quản được gấp đôi thời gian, gần như giải quyết tình trạng được mùa mất giá. Tính sơ bộ, tỉnh Bình Thuận cần khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng kho lạnh trữ hàng khi giá thấp”.
Tại tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, khẳng định: “Giải pháp căn cơ là Bộ NN-PTNT cần xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất để đáp ứng nhiều thị trường. Song song đó, cần bài toán tổng thể về sản xuất nông sản và chú trọng hỗ trợ đầu tư kho lạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn ổn định mùa vụ cho người nông dân, phải có kho lạnh. Để thu hút đầu tư kho lạnh, Bộ NN-PTNT cần tham mưu Chính phủ có cơ chế giảm tiền thuê đất khu công nghiệp, miễn lãi suất vay vốn, rút ngắn thủ tục cấp phép, áp giá điện sản xuất cho kho lạnh, trợ giá cho nông sản lưu kho.
Theo thống kê, hiện cả nước có 80 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông, thủy sản và hàng nhập khẩu, con số quá nhỏ so với nhu cầu. Ngành nông nghiệp nước ta có nhiều loại nông sản khác nhau nên cần quy hoạch xây dựng hệ thống kho lạnh phù hợp, kể cả tại cảng, cửa khẩu. |