Trước tình trạng thừa điện mặt trời, Điện lực Kon Tum đang tìm sự đồng thuận từ các chủ đầu tư trong việc cắt giảm công suất và triển khai thực hiện giải pháp khắc phục.
Nguyên nhân dẫn đến việc thừa điện mặt trời, theo Điện lực Kon Tum do thời gian qua nhà đầu tư được khuyến khích nên phát triển mạnh. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến phụ tải hệ thống thấp hơn dự kiến dẫn đến hiện tượng thừa nguồn.
Để giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời, Điện lực Kon Tum kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đã được Bộ Công Thương chấp thuận dịch chuyển giờ cao điểm phát các nhà máy thủy điện nhỏ từ 9h30’ – 11h30’ hàng ngày, sang khung giờ từ 6 - 8 giờ để khai thác tối đa công suất nguồn điện mặt trời của tỉnh.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Kon Tum cũng tìm sự đồng thuận từ các nhà đầu tư trong việc cắt giảm công suất và triển khai thực hiện giải pháp khắc phục theo hướng căn cơ, lâu dài.
Ông Đỗ Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, điện lực Kon Tum tuân thủ tuyệt đối và đúng các văn bản hướng dẫn về phát triển nguồn năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng.
“Trong quá trình thực hiện thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện phải đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo giải tỏa công suất và công khai quá tải lưới điện. Công ty tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, các dự án lưới điện truyền tải đã có trong quy hoạch nhằm nâng cao khả năng giải tỏa và truyền tải công suất các dự án năng lượng tái tạo”, ông Giáp cho biết.
Tính đến hết năm 2020, Công ty Điện lực Kon Tum đã thỏa thuận đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện với 1.455 chủ đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất là 161,59MWp.
Mới đây UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn, cụ thể như Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum ở huyện Sa Thầy với công suất thiết kế 200MWp và Dự án Nhà máy điện gió ở huyện Đăk Glei với công suất 50MW.