Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2018 đã có 146.039 tỷ đồng TPDN được phát hành theo hình thức riêng lẻ, tăng hơn 26,5% so với năm 2017. Năm 2019, thị trường TPDN ghi nhận sự tham gia tích cực của NĐT cá nhân, với lượng mua khoảng 26.492 tỷ đồng, tương đương 9,64% tổng lượng phát hành TP toàn thị trường.
Quý I-2020, theo báo cáo của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), các DN đã phát hành 47.500 tỷ đồng TPDN, tăng đến 39% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các DN còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Cụ thể đã có 1 đợt phát hành ra công chúng của Masan cùng với 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 DN niêm yết và 48 DN chưa niêm yết.
Trong quý I, nhóm NĐT cá nhân trong nước tiếp tục tham gia tích cực, khi mua tổng cộng 9.536 tỷ đồng TP. Tỷ trọng cá nhân mua trên tổng lượng phát hành toàn thị trường quý I là 20%, gấp đôi so với mức trung bình 10% của năm 2019.
TPDN trở nên sôi động là thông tin đáng vui mừng. Kênh này sẽ giúp ngân hàng (NH) giảm được gánh nặng hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, giúp DN huy động được vốn kỳ hạn dài để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa kênh đầu tư của NĐT trong nước. Thế nhưng đồng hành với tin vui này là những lo lắng bất ổn vì TPDN tăng trưởng nóng có phần nhờ lãi suất cao, tập trung ở nhóm DN BĐS.
Năm 2018 và 2019, NH và BĐS là 2 nhóm dẫn đầu thị trường TPDN về quy mô phát hành. Cụ thể, năm 2018, nhóm NH phát hành hơn 108.723 tỷ đồng, chiếm 36,64% tổng lượng TP; nhóm DN BĐS phát hành hơn 57.110,7 tỷ đồng, chiếm 19,25%. Năm 2019, các NHTM phát hành 115.422 tỷ đồng TP, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41,2% trong tổng lượng TPDN phát hành; các DN BĐS phát hành 106.531 tỷ đồng TP, đứng thứ 2 với tỷ trọng 38%. Nhóm NH dù phát hành khối lượng lớn song lãi suất khá thấp, bình quân 7%/năm. Trong khi đó, nhóm DN BĐS có lãi suất phát hành bình quân cao nhất 10,3%/năm, thậm chí một số DN phát hành với lãi suất trên 13%/năm.
Quý I năm nay, nhóm DN BĐS đã vượt qua nhóm NH để chiếm thế thượng phong trên thị trường TPDN, dẫn đầu về khối lượng phát hành TP, với tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường quý I, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. SSI Research tính toán, lãi suất phát hành bình quân quý I của nhóm này 10,77%/năm, tăng tương ứng 43% so với 2019 dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn từ 1-2 tháng. Còn theo thống kê của Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam, đa số DN BĐS huy động với lãi suất 10,9-11,5%/năm.
So với lãi suất huy động của các NHTM, mức lãi suất TP của DN BĐS cao hơn 3-4%. Các DN BĐS sẵn sàng chi trả lãi suất cao bởi các NHTM có sự điều chỉnh về danh mục cho vay để thực hiện Thông tư 22/2019 của NHNN, giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. Các rủi ro về việc lãi suất cho vay có thể tăng khi có nhiều lo ngại chu kỳ chi phí vốn giá rẻ gần kết thúc, khiến DN BĐS muốn tăng tính tự chủ động về nguồn vốn thông qua các hình thức phát hành TP. Tìm kiếm nguồn vốn thay thế là điều bắt buộc và trả lãi suất cao để “câu” NĐT và chiêu thức này cho thấy rất hiệu quả.
Trên góc độ luật pháp, Chính phủ đã có những quy định điều chỉnh hoạt động huy động vốn của DN thông qua TPDN, nhưng thực chất chưa đủ. Trong đó điểm quan trọng nhất là thị trường TPDN thiếu sự tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm để chấm điểm uy tín các DN phát hành TP. Bên cạnh đó, những người làm chính sách chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề DN huy động vốn của người dân. Bởi DN sử dụng vốn không hiệu quả, không thể hoàn trả cho người dân, điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, NĐT cá nhân cần cân nhắc kỹ khi các cơ chế bảo vệ nhóm này chưa thực sự hoàn chỉnh.
Việc vắng bóng công ty đánh giá tín nhiệm đã khiến khả năng đánh giá, phân tích sức khỏe DN, nắm bắt giá trị nội tại của TP để đưa ra các quyết định mua hay bán của NĐT cá nhân bị hạn chế. Họ chủ yếu dựa vào lãi suất để quyết định đầu tư TPDN đầy rủi ro. |