Tanifood là một trong 5 nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.
Với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, Tanifood sẽ chế biến tất cả các loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau. Trong đó, nông sản loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai.
Theo chia sẻ của ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Lavifood, song hành với phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), việc đẩy mạnh chế biến sau thu hoạch cũng hết sức quan trọng, bởi nó không chỉ giảm thiểu thất thoát nông sản mà còn gia tăng giá trị cho các sản phẩm của Việt Nam.
Do vậy, sản phẩm từ hai nhà máy của Lavifood (một nhà máy khai trương trước đó 1 năm ở Long An) không chỉ dành cho xuất khẩu, mà còn tập trung tấn công thị trường trong nước. Với thị trường xuất khẩu ban đầu Lavifood sẽ làm gia công, sau đó khi có chỗ đứng trên thị trường sẽ xây dựng thương hiệu riêng, từ đó tạo ra tiếng vang cho nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.
Tham vọng của Lavifood cũng chính là bước đệm để các doanh nghiệp cùng nhau giải đơn “đặt hàng” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra là đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới trong vòng 10 năm tới. Thực tế trước Lavifood, một doanh nghiệp khác cũng tạo được nhiều dấu ấn trong mảng chế biến sau thu hoạch đó là CTCP Vinamit.
Với nhiều sản phẩm trái cây sấy khô, Vinamit đã chinh phục rất nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Vào giữa năm 2018, Vinamit đã tung ra những dòng sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô như mía tươi sấy và café tươi sấy… Song hành với đó Vinamit còn nghiên cứu về công nghệ sinh học, giúp đưa các men vi sinh có lợi vào trong thực phẩm dùng cho con người hàng ngày.
Mảng chế biến nông sản sau thu hoạch còn phải nhắc đến những doanh nghiệp như Nafoods, với sản phẩm xuất khẩu chủ lực là chanh leo cô đặc và rất nhiều sản phẩm nước ép hoa quả khác. Vào tháng 4 - 2018, Nafoods đã khánh thành tổ hợp sản xuất chế biến hoa quả xuất khẩu tại Long An với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Một cái tên đáng chú ý khác là công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao, trong năm 2018 cũng khởi công nhà máy chế biến rau quả tại Gia Lai với công nghệ hiện đại. Hiện công ty đang sở hữu tổ hợp nhà máy chế biến tại Ninh Bình và Bắc Giang, sản phẩm đã xuất sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với những cái tên kể trên, thoạt nghe sẽ cảm thấy ngành công nghiệp chế biến sau thu hoạch của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc. Song thực tế, theo số liệu thống kê, hiện nay có 1,6 triệu ha đất trồng rau củ quả, sản lượng mỗi năm khoảng 27 triệu tấn/năm, trong khi chúng ta đang có 150 nhà máy chế biến mới chỉ xử lý hết khoảng 1 triệu tấn/năm, có nghĩa là nguyên liệu còn rất nhiều và cần thêm nhiều nhà máy chế biến sau thu hoạch hơn nữa. Nếu không tình trạng thất thoát sau thu hoạch sẽ không được cải thiện bao nhiêu, những vấn nạn giải cứu hay đổ bỏ nông sản chắc chắn chưa thể chấm dứt.
Do đó để thu hút các doanh nghiệp Việt mạnh dạn đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất, chế biến sau thu hoạch, Nhà nước cần có chiến lược và có những cơ chế ưu đãi nhất định để thu hút doanh nghiệp. Đơn cử như câu chuyện vốn, nhìn những tổ hợp của Nafoods, Đồng Dao hay Lavifood… với những con số đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cho những dây chuyền hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ thật khó để chen chân đầu tư.
Thế nhưng, việc tìm kiếm những nguồn vốn vay ưu đãi trong nông nghiệp lại chưa bao giờ dễ dàng. Hiện nay theo Quyết định 813/QĐ - NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhưng doanh nghiệp muốn vay cũng không hề dễ.
Song hành với thiếu vốn, nguyên liệu cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Dù nguyên liệu đang dư thừa rất lớn, nhưng chất lượng làm sao đảm bảo chính là mấu chốt của vấn đề. Bởi các nhà nhập khẩu đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào. Ngay cả thị trường Trung Quốc, lâu nay tưởng dễ tính cũng đăng đặt ra nhiều đòi hỏi khắt khe hơn với sản phẩm của Việt Nam.
Và để chủ động nguyên liệu đạt yêu cầu, hiện nay phần lớn các nhà máy chế biến sau thu hoạch sẽ chủ động vùng trồng cùng bà con nông dân. Lavifood là một thí dụ, sau khi có đơn hàng sẽ phân nhiệm vụ cụ thể cho từng nhà máy, rồi các nhà máy dựa trên đơn hàng mình được giao, đề nghị bà con gieo trồng các chủng loại rau củ quả với diện tích và số lượng phù hợp, cuối cùng công ty sẽ cùng nông dân kiểm soát vùng trồng. Song về lâu dài, vai trò quy hoạch, hướng dẫn người nông dân phải thuộc về Nhà nước cũng như các địa phương, chứ không thể là câu chuyện riêng của doanh nghiệp.