Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh - Bài 2: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

(ĐTTCO) - Xây dựng chính quyền số với nhiều tiện ích “một chạm” là giải pháp khắc phục tình trạng quá tải, ách tắc công việc tại TPHCM. 

Một mặt, những tiện ích này giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức; mặt khác giúp các cơ quan đơn vị giảm tải, quản trị nội bộ tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ. 

Công an TPHCM tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ cấp Căn cước công dân gắn chip

Công an TPHCM tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ cấp Căn cước công dân gắn chip

Tăng tiện lợi, giảm chờ đợi

Sinh con đầu lòng vào thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở TPHCM, chị Trịnh Thị Thúy Hiền (ở quận 8) khá lo lắng việc làm các loại giấy tờ cho con. Lên mạng tìm hiểu, chị được biết thủ tục này hiện nay hóa ra rất đơn giản, chỉ cần vào Cổng dịch vụ công quốc gia đăng ký tài khoản, rồi thực hiện theo hướng dẫn. Các loại giấy tờ liên quan như giấy ra viện, chứng sinh, đăng ký kết hôn và giấy tờ tùy thân của cha mẹ, sau khi chụp lại rồi gửi lên hệ thống, chị nhận được tin nhắn báo xác nhận đã nhận hồ sơ, sau đó có cán bộ phường liên lạc hỏi thêm vài chi tiết và hẹn ngày lên UBND phường nhận giấy tờ. Ngoài giấy khai sinh, chị còn nhận cùng lúc cả thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú cho con. 

Việc thực hiện thủ tục trực tuyến cũng được người dân lựa chọn ngày một nhiều hơn, thay vì đến thực hiện trực tiếp. TPHCM đến nay đã triển khai dịch vụ công trực tuyến được 805/1.764 thủ tục hành chính. Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 gần 800.000 hồ sơ. Tới đây, TPHCM triển khai Cổng dịch vụ công TPHCM, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, khi đó người dân sẽ không phải khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà chỉ dùng một tài khoản định danh thống nhất để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. “Việc triển khai hệ thống này vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Đề án 06 vừa là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền số của UBND TPHCM”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh. 

Thời gian qua, nhằm tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, UBND quận 1 đã triển khai quy trình hồ sơ không giấy. Các văn bản, hồ sơ được số hóa, luân chuyển trên mạng. Các thao tác ký duyệt được thực hiện trên môi trường mạng thông qua thiết bị di động thông minh, giúp các lãnh đạo thực hiện thuận tiện hơn, mọi lúc, mọi nơi. Hiện nay, quận đang tập trung thực hiện các bước để triển khai Giấy phép điện tử đối với thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè. Riêng đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cấp phép môi trường hiện quận đang xin ý kiến thành phố về cơ sở pháp lý thực hiện.

Hài lòng đôi bên

Không chỉ ở quận 1, xu hướng dịch chuyển dần công việc sang môi trường số cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương, đơn vị. Tại quận 7, ứng dụng “Quận 7 trực tuyến”, “Công chức trực tuyến”, các phần mềm chuyên ngành đang phục vụ rất hiệu quả cho nhiều công việc, trong đó có việc cấp phép xây dựng, cấp số nhà, hộ kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quận cũng đã xây dựng hệ thống thông tin địa lý tích hợp dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch, hộ kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nếu như gọi dữ liệu là “bộ não” của chính quyền số, thì quận 7 đến nay đã hoàn thành số hóa tài liệu tại kho lưu trữ quận giai đoạn 1, chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Công chức tư pháp của quận, phường hiện đã có thể khai thác, sử dụng dữ liệu hộ tịch để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. UBND quận cũng đang xây dựng dữ liệu về giao thông đô thị như chung cư, hẻm, cầu đường; về kinh tế như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, thuế; về lĩnh vực xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết, đến nay quận đã tiếp nhận và trả kết quả hơn 35.600 hồ sơ trực tuyến. Trong đó, cấp quận tiếp nhận và trả kết quả hơn 20.000 hồ sơ thuộc các lĩnh vực, nhiều nhất là kinh tế. Cấp phường tiếp nhận và trả kết quả hơn 15.600 hồ sơ hộ tịch, xây dựng, nhà đất, trong đó phường Hiệp Thành có tới gần 8.000 hồ sơ, cao nhất quận. Quận cũng thực hiện thu phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính qua ví điện tử MoMo, VNPAY và duy trì các kênh tương tác với người dân qua Zalo, Facebook. Đến nay, tài khoản Zalo UBND quận 12 có hơn 152.000 người theo dõi; trung bình mỗi tháng có hơn 5.900 lượt xem bài viết, số lượt tương tác với trang trung bình hơn 430 lượt. Trang Facebook UBND quận 12 hiện có hơn 44.000 người theo dõi; trung bình mỗi tháng có hơn 117.000 lượt người tiếp cận bài viết, hơn 24.000 tương tác với trang. 

Ở TP Thủ Đức, Trung tâm điều hành đô thị thông minh của quận đang từng bước hoàn thiện hệ thống báo cáo tự động, tích hợp dữ liệu hiện có từ các phần mềm chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị, đồng thời tích hợp hệ thống quản lý thông minh từ các sở, ngành, đã tích hợp dữ liệu của ngành y tế, tổng đài 1022, đang tích hợp dữ liệu từ các sở: GD-ĐT, GTVT, TT-TT. Trong giai đoạn tiếp theo, UBND TP Thủ Đức sẽ tích hợp toàn bộ camera hiện hữu đáp ứng yêu cầu lên trung tâm này. Ở cấp thành phố, hiện nay với Cổng 1022, lãnh đạo TPHCM đã có thể theo dõi theo thời gian thực kết quả tiếp nhận và giải quyết của quận, huyện, phường, xã đối với những ý kiến, phản ánh của người dân. Những bước chuyển đổi này đã rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, việc triển khai Cổng dịch vụ công TPHCM sẽ giúp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Theo đó, cổng sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với thủ tục hành chính đủ điều kiện. Trong đó có 403 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đủ điều kiện của TPHCM, 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

-----------------------------

Ông PHẠM QUANG ANH, Giám đốc Công ty May mặc Dony,huyện Bình Chánh, TPHCM:

Trước đây, khi nộp giấy tờ thủ công có khi phải tốn nhiều thời gian để bổ sung giấy tờ. Nay áp dụng nộp hồ sơ trực tuyến, mọi thứ đã có mẫu sẵn, thiếu giấy tờ gì là biết và bổ sung ngay nên rất tiện lợi. Ngoài ra, thời gian giải quyết hồ sơ trực tuyến cũng diễn ra nhanh hơn. Trách nhiệm xử lý hồ sơ của cán bộ, viên chức cũng được nâng cao hơn, vì mọi thứ đã được kiểm soát trên hệ thống, nếu xử lý không đúng thời gian thì chính cán bộ và cơ quan đó sẽ bị trừ điểm. Do đó, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cá nhân và cả cơ quan nhà nước.

Bà NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG, Chủ tịch UBND quận 10, TPHCM:

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của UBND quận 10 và UBND 14 phường trên địa bàn hiện chưa đáp ứng việc thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Do vậy cần được đầu tư các máy trạm, máy scan và thiết bị lưu trữ. Việc mua sắm máy tính thực hiện theo các quy định về mua sắm tập trung, cũng gặp khó khăn và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, quận cũng thiếu nhân sự phụ trách về công nghệ thông tin, nên việc triển khai một số nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin chưa theo kịp với các kế hoạch của thành phố.

Quận kiến nghị Sở Nội vụ TPHCM tổ chức các lớp tập huấn về công tác cải cách hành chính; công tác chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, công tác cải cách hành chính cho các địa phương.

Các tin khác